Hội thảo đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021

Minh Đức-Thứ ba, ngày 30/03/2021 20:09 GMT+7

VTV.vn - Ứng phó, vượt qua đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển là nội dung được đưa ra tại Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021

Sáng 31/3, tại Hội trường A2, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội và Tập đoàn Đầu tư và Quản lý V-Startup tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021, đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2020 của trường.

Hội thảo có sự tham gia của gần 700 đại biểu gồm đại diện các bộ ban ngành, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế; đại diện các doanh nghiệp; các phóng viên báo chí... đến từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan trung ương, các Trường đại học, các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước như: Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy Ban Giám sát Tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công thương, Viện Hàn Lâm Khoa học XH, các viện nghiên cứu, trường đại học khối Kinh tế và Quản trị Kinh doanh..

Các nhà khoa học của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng làm rõ các nguyên nhân lí giải cho việc nền kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực trượt dài trong tăng trưởng âm. Ngoài 2 nguyên nhân cơ bản là cách thức chống dịch hiệu quả của Việt Nam và hàng loạt các giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế như các giải pháp tài khóa và tiền tệ của Chính phủ còn có một nguyên nhân khác. Đó là, nền kinh tế Việt Nam dựa phần lớn các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hoặc khu vực phi chính thức có quy mô siêu nhỏ.

Hội thảo tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2020, đánh giá các chính sách ứng phó đối với đại dịch COVID-19 của Chính phủ trong năm 2020, từ đó đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục hồi trong năm 2021.

Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả chính như PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS.TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; Ông Jacques Morisset – Chuyên gia Kinh tế Trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam; PGS.TS. Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế Quốc dân; Bà Nguyễn Thy Nga – Chuyên gia đổi mới sáng tạo, TGĐ V-Startup Việt Nam; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện ĐT&NC BIDV; Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia Kinh tế.

Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách kịp thời trong gói hỗ trợ lần 1 nhằm hỗ trợ và giải cứu một số khu vực kinh tế và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất; tuy nhiên những diễn diễn phức tạp trở lại của đại dịch trên nhiều địa phương trong cả nước đang và sẽ tác động toàn diện và nặng nề hơn đến nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc một gói hỗ trợ mới trong năm 2021 và thậm chí xa hơn, với quy mô lớn và độ bao phủ rộng hơn, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, duy trì phát triển kinh tế và chuẩn bị giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Do vậy, việc tổng kết thực tiễn chính sách hỗ trợ và đánh giá hiệu quả của chúng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế. Hội thảo của Trường đại học Kinh tế Quốc dân và các đối tác được kỳ vọng sẽ đánh giá được tổng quan kinh tế Việt Nam, tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế, chỉ ra được các ưu nhược điểm của các chính sách ứng phó với COVID-19 trong thời gian qua, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm thiết kế và thực hiện được gói hỗ trợ kinh tế mới một cách hiệu quả và thiết thực hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

kinh tế

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước