Hà Nội kiểm tra kết quả đấu giá đất
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện số 82 yêu cầu kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội đã ngay lập tức lên kế hoạch để kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức - nơi được xem là điểm nóng về đấu giá đất hai tuần trở lại đây.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi UBND Thành phố Hà Nội, về việc cử đoàn kiểm tra đột xuất nắm tình hình công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại hai huyện kể trên. Việc kiểm tra sẽ được tiến hành vào ngày 23/8.
UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, trên địa bàn thành phố có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, như tại huyện Thanh Oai cao gấp từ 7-8 lần, huyện Hoài Đức cao nhất gấp 18 lần. Việc trúng giá cao bất thường có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản.
Trong ngày 22/8, UBND huyện Hoài Đức đã phát đi thông báo sẽ tạm dừng các phiên đấu giá 52 thửa đất, nằm ngay cạnh 19 lô đất vừa được đấu giá, để thực hiện việc kiểm tra, rà soát theo công điện số 82 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn bộ tiền đặt cọc sẽ được hoàn trả lại. Theo kế hoạch trước đó, các phiên đấu giá này sẽ được tổ chức vào ngày 26/8 và 9/9.
Ông Nguyễn Anh Quân - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: "Đoàn công tác xuống, chúng tôi sẽ rà soát toàn bộ quá trình, từ khi các căn cứ xác định giá khởi điểm, quá trình tổ chức đấu giá, kể cả những bước giá và các thủ tục để thực hiện đấu giá xem đảm bảo đúng quy định hay không. Từ đó mới có kết luận và hướng xử lý đối với những sai phạm nếu có.
Hiện nay, đấu giá của Thanh Oai, Hoài Đức thực hiện hệ số nhân bảng giá đất của Thành phố, theo đúng Nghị định 12. Thời gian tới, nếu có ở bảng giá hoặc ở những lần điều chỉnh tiếp theo, chúng tôi hết sức chú trọng đến giá thị trường, để bảng giá đất không xa rời bảng giá thị trường".
Rà soát toàn bộ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn
Huyện Hoài Đức sẽ tạm ngừng việc đấu giá các lô đất tiếp theo nằm ngay cạnh 19 thửa đã đấu giá những ngày trước đây. Ông Nguyễn Anh Quân - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định: "Thành phố đã uỷ quyền cho các quận huyện chủ động việc này. Tôi nghĩ việc này sẽ không lâu. Bởi lẽ việc đấu giá đất là một trong những nhiệm vụ thu ngân sách mang về cho Thành phố, tạo nguồn cho quận huyện cải tạo đô thị. Dừng trong thời gian rà soát tổng thể, chứ không thể lâu được".
Như vậy, cơ quan chức năng đã kịp thời thực hiện theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất. Trong khi chờ đợi kết quả kiểm tra, một số chuyên gia khuyến cáo người dân có nhu cầu mua đất, nên tìm hiểu kỹ giá cả xung quanh, từ nhiều nguồn khác nhau, tránh tâm lý đám đông. Bởi kết quả trúng đấu giá vừa qua, chưa phải là con số tham chiếu cho thị trường chung.
Tránh tâm lý đám đông sau các cuộc đấu giá đất
Tại phiên đấu giá ở huyện Hoài Đức, Hà Nội vừa qua, không ít người sẵn sàng bỏ cuộc, khi giá đấu liên tục tăng cao, giữ tâm thế tỉnh táo khi tham gia phiên đấu.
Ông Nguyễn Bình Minh - Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội chia sẻ: "Đấu hết 6 vòng thì tôi dừng vì thấy giá cao quá".
Anh Đỗ Đăng Chi - Huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội tâm sự: "Cũng phải đang xem xét về giá. Đơn giá ban đầu mình nghĩ 70-80 triệu/m2, bây giờ lên đến 90-140 triệu/m2".
Theo khảo sát, giá trúng đấu giá tại Hoài Đức vừa qua đã cao gấp hai, gấp ba lần so với giá đất đang giao dịch xung quanh, chỉ đang ở mức 40-60 triệu đồng/m2. Ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc, thị trường ghi nhận một số lô đất xung quanh cũng rao bán tăng theo khu đất đấu giá. Các chuyên gia khuyến cáo, người mua cần tỉnh táo.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định: "Giá trúng đấu giá như 133 triệu/m2 ở huyện Hoài Đức, đó không phải là giá cuối cùng mà chỉ là giá họ bỏ thầu, chưa phải người trúng thầu đủ tiền nộp 133 triệu vào ngân sách. Khi nào người ta nộp đủ tiền vào, cuộc đấu giá đó được coi là thành công, giá đó mới là giao dịch thật".
Hiện nay, thời gian để người trúng đấu giá nộp đủ 100% tiền là 30-90 ngày, tùy từng địa phương. Một số ý kiến cho rằng, cần rút ngắn thời gian này.
Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản G6 nêu ý kiến: "Thời gian chỉ nên trong 30 ngày, để dài lại tạo điều kiện cho người ta lướt cọc. Những người đi mua, tham gia đấu giá đã quan tâm, sẵn tiền để đóng nếu thực sự họ là người muốn mua".
Trong những đợt sốt đất trước đây, không ít người sẵn sàng thế chấp ngân hàng nhảy vào "đầu tư lướt sóng", hoặc sẵn sàng trả giá cao ngất ngưởng khi tham gia đấu giá đất để đấu trúng, với mong muốn kiếm lời nhanh. Điều này không chỉ gây nên cơn sốt ảo cho thị trường, mà còn gây nhiều rủi ro cho chính những người đầu tư.
Những lo ngại trên là có cơ sở. Tuy nhiên, ngay sau hai cuộc đấu giá vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo sát sao, kịp thời. Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP Hà Nội cùng các sở, ngành cũng đã ngay lập tức lên kế hoạch kiểm tra, rà soát. Những động thái này hết sức cần thiết, sẽ giúp chấn chỉnh kịp thời hoạt động đấu giá, tránh nguy cơ sốt đất ảo sau các cuộc trúng đấu giá cao ngất ngưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!