Hơn 1/3 vốn FDI của các tập đoàn đa quốc gia là vốn ảo

PV Thường trú Đài THVN tại Anh-Chủ nhật, ngày 15/09/2019 07:49 GMT+7

VTV.vn - Số liệu nghiên cứu của IMF và Đại học Copenhagen, Đan Mạch cho biết, gần 40% lượng vốn đầu tư ra nước ngoài trên toàn cầu đã được chuyển vào các công ty bình phong.

Theo tờ Financial Times, các tập đoàn đa quốc gia sử dụng những công ty này làm vỏ bọc để hợp thức hóa các báo cáo tài chính nhằm giảm thiểu tối đa thuế phải nộp. Lấy ví dụ trường hợp Tập đoàn Apple không sản xuất, thiết kế hay phát triển phần mềm ở Ireland, nhưng một trong những khoản đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của hãng này hiện nay lại nằm ở Chi nhánh Tập đoàn này ở Ireland.

Nghiên cứu cũng chỉ ra hơn một nửa lượng vốn ảo nằm ở các thiên đường trốn thuế như Malta và một số vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh như Guernsey, Jersey and the Isle of Man. Trong khi tại Luxembourg, Hà Lan có lượng vốn ảo chiếm gần một nửa. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực quốc tế ngăn chặn tình trạng trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia, nhưng cho đến nay, xu hướng này đang có chiều hướng tăng. Theo bài báo, tới năm 2017, vốn ảo chiếm đến 38% tổng số vốn FDI.

Đây là con số chung trên phạm vi toàn cầu, còn đối với từng quốc gia thì xu hướng cũng khác nhau. Như ở Anh, lượng vốn ảo tăng từ 3% vào năm 2009 lên tới 17% vào năm 2017. Trong khi ở Bỉ và Thụy Điển lại chứng kiến sụt giảm mạnh, từ khoảng 30% xuống còn một con số trong cùng thời kỳ.

Thực tế này đang buộc nhiều quốc gia phải tiến hành cải cách hệ thống thuế. Trong một động thái gần đây, Pháp đã đơn phương thông qua luật đánh thuế với các tập đoàn công nghệ lớn hoạt động ở nước này. Động thái đã gia tăng sức ép lên các nước khác thuộc nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất (G7) phải đạt một thỏa thuận về cải cách thuế trên phạm vi toàn cầu vào năm tới.

Riêng đối với Anh thì nước này lại có biện pháp khác, tỏ ra hiệu quả hơn đó là tăng cường điều tra các cá nhân, doanh nghiệp có tài sản, thu nhập ở nước ngoài. Sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" năm 2015, tiết lộ nhiều tổ chức nước ngoài làm vỏ bọc cho hoạt động trốn thuế, Anh đã thành lập đơn vị chuyên trách chuyên nhắm vào các cá nhân, doanh nghiệp giàu có với nhiều tài sản, lợi ích ở nước ngoài chưa được công bố.

Với tiêu đề Thu nhập của cơ quan thuế và hải quan tăng vọt từ các cuộc truy tìm tài sản ẩn dấu ở nước ngoài, tác giả bài báo cho biết: Riêng trong tài khóa 2018 - 2019, cơ quan thuế của Anh đã thu được 560 triệu Bảng, tương đương gần 700 triệu USD từ các cuộc điều tra, tăng 14% so với năm 2017 - 2018 và tăng 72% so với giai đoạn 2016 - 2017.

Cơ quan này cũng đang hưởng lợi lớn từ việc hợp tác quốc tế trong công tác chống trốn thuế. Kể từ năm ngoái, ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư…. từ hơn 100 nước đã phải chia sẻ dữ liệu tài chính mà không cần sự cho phép của chủ tài khoản Theo một sáng kiến của tổ chức OECD.

Hiệu quả như vậy tuy nhiên, trốn thuế vẫn là một vấn nạn đối với nước Anh. Một báo cáo của cơ quan thuế Anh mới đây cho biết, trong giai đoạn 2017 - 2018, Anh vẫn mất tới 5,3 tỷ Bảng do trốn thuế.

Nhà máy tập đoàn đa quốc gia ồ ạt tuyển nhân sự Nhà máy tập đoàn đa quốc gia ồ ạt tuyển nhân sự

VTV.vn - Theo nhận định của nhiều chuyên gia, từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam ngày càng rõ nét.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước