Theo một nhan đề trên tờ Thời báo Tài chính Financial Times, 5,8 tỷ Bảng tiền thuế đã chảy ra ngoài Vương quốc Anh trong năm 2016, qua việc các tập đoàn đa quốc gia đặt lợi nhuận vào công ty con của mình ở các nước khác. Con số này được đưa ra bởi Cơ quan quản lý Thuế và Hải quan Anh HMRC, được đánh giá là đã tăng 50% so với dự đoán trước đây của chính phủ.
Tờ The Guardian nhận định rằng, sự gia tăng đáng kể này bắt nguồn từ việc sửa đổi một số điều luật được đưa ra dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher vào những năm 80. Các luật này có mục đích ngăn chặn việc những công ty đa quốc gia tại Anh tránh thuế qua các chi nhánh ở nước khác, gọi tắt là CFCs. Các điều luật về CFCs đã được cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne đưa vào chương trình sửa đổi và miễn giảm cho một số đối tượng doanh nghiệp. CFCs về nguyên tắc không vi phạm pháp luật Anh, tuy nhiên việc này đã vô tình tạo điều kiện cho nhiều công ty tìm cách lách thuế khi tự xếp mình vào diện miễn giảm.
Theo tờ The Times, một số ý kiến cho rằng Cơ quan quản lý Thuế và Hải quan Anh HMRC đã hướng sự tập trung rà soát của mình hơn tới các tập đoàn đa quốc gia, sau các chính sách dưới thời ông Osborne. Việc định giá tài sản nội bộ giữa các công ty con của những tập đoàn dạng này cũng đã trở thành một vấn đề lớn mang tính chính trị.
Trong nỗ lực kiểm soát chặt chẽ việc các nước trong liên minh tỏ ra đặc biệt ưu ái một số công ty đa quốc gia, EU tháng này vừa yêu cầu các ông lớn như Amazon hay Apple phải đóng lại đầy đủ số thuế theo đúng quy định chung. Điển hình là Apple với mức thuế phải trả thêm cho Ireland lên tới 13 tỷ Euro. Vụ việc tại Anh cũng không tránh khỏi con mắt của các nhà chức trách liên minh, khi bị cho là sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Cũng theo The Guardian, Ủy ban Cạnh tranh châu Âu sẽ mở một cuộc điều tra về chương trình thuế áp dụng cho các công ty đa quốc gia tại Anh. Cơ quan này đánh giá, chương trình thuế nói trên có thể vi phạm các điều luật về cạnh tranh của EU, khi cho phép các doanh nghiệp đa quốc gia trả ít thuế hơn so với các đối thủ trong nước. Tất cả các công ty có dấu hiệu được hưởng lợi từ luật sửa đổi sẽ phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Bộ Tài chính Anh. Trong trường hợp Anh không còn là thành viên EU sau khi kết thúc việc chia tay, Ủy ban Cạnh tranh châu Âu mong muốn vụ việc vẫn sẽ được giải quyết dưới luật pháp chung của liên minh. Báo này cũng trích lời phát biểu của người phát ngôn Bộ Tài chính Anh, rằng mặc dù phía Anh tin tưởng rằng các chính sách thuế của mình không vi phạm luật pháp EU, tuy nhiên sẽ sẵn lòng hợp tác với phía châu Âu trong quá trình điều tra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!