Từ đây, các doanh nghiệp và chuyên gia Việt Nam sẽ có cơ hội học hỏi, tham khảo thông tin từ các mô hình hợp tác công tư của Nhật để tham mưu cho các cơ quan hữu quan ở Việt Nam để cùng xây dựng các mô hình hợp tác PPP hiệu quả hơn cho Việt Nam.
Mô hình về hợp tác đầu tư công tư của Nhật Bản được đánh giá là triển khai thành công nhất tại châu Á. Các nhà đầu tư Nhật Bản đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy định, chính sách pháp luật trong việc thúc đẩy các nhà đầu tư từ lĩnh vực tư nhân. Vấn đề chia sẻ rủi ro giữa chính phủ, chính quyền địa phương với các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư cũng được nhấn mạnh. Tại Nhật Bản, Luật Đầu tư công tư (PFI) đã có từ năm 1999, hình thức nhượng quyền (BTO) được thực hiện phổ biến.
Điểm quan trọng nhất trong hợp tác đầu tư công tư tại Nhật Bản là phải giảm được chi phí dịch vụ công. Rủi ro trong đầu tư công sẽ do cả phía chính quyền và doanh nghiệp tư nhân cùng chịu trách nhiệm, nhất là đầu tư vào các dự án bị phá sản, có rủi ro cao.
Nhật Bản hiện có 823 dự án hợp tác công tư trong năm 2019 trên tổng số 2.000 dự án nhỏ trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Mâu thuẫn giữa việc tính toán lợi nhuận cũng như rủi ro của các công ty tư nhân khi tham gia PPP là họ phải lập kế hoạch, ngân hàng phải bảo lãnh đồng thời phải có sự bảo lãnh của chính quyền.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, hợp đồng trong đầu tư công tư giữa các bên dựa trên pháp luật và văn hóa của mỗi nước khác nhau, cần sự linh hoạt và phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!