Hy Lạp chấp nhận bán bớt tài sản công, trong đó có bến cảng, một phần mạng lưới đường sắt, để gom đủ 50 tỷ Euro và đặt số tiền đó dưới sự giám sát của chủ nợ. Hy Lạp cũng đồng ý sẽ cắt giảm thêm chi tiêu của Chính phủ để giảm thâm hụt ngân sách công trong năm nay, tiến tới có thặng dư từ năm sau.
Ông Euclid Tsakalotos, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp cho biết: “Chúng tôi đã có thỏa thuận khung sau cuộc họp dài tại Bruxelles hồi tháng trước và nay chỉ cụ thể hóa các điểm trong thỏa thuận khung đó mà thôi. Đàm phán với các định chế đã diễn ra tương đối thuận lợi”.
Thị trường tài chính đã phản ứng tích cực trước tin Hy Lạp sẽ sớm nhận được tiền từ gói giải cứu thứ ba. Chỉ số chứng khoán Hy Lạp đã tăng 1,46% lúc mở cửa sáng nay, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng tới 6%, lãi suất trái phiếu Chính phủ Hy Lạp đã giảm đôi chút.
Bà Vicky Pryce, Chuyên gia tư vấn kinh tế nhận định: “Gói cứu trợ thứ ba là tiền đề để Ngân hàng Trung ương châu Âu đưa trái phiếu Chính phủ Hy Lạp vào chương trình nới lỏng tiền tệ. Đó sẽ là một bước đột phá lớn”.
So với cách đây 2 tháng, các định chế chủ nợ đã nhân nhượng hơn với Hy Lạp. Hy Lạp cũng tỏ ra mềm dẻo hơn, do muốn bằng mọi giá nhận được tiền trước ngày 20/8 - ngày mà Hy Lạp phải hoàn lại cho Ngân hàng Trung ương châu Âu khoản nợ đáo hạn hơn 3 tỷ Euro. Văn bản thỏa thuận sáng nay sẽ còn phải đưa ra Quốc hội Hy Lạp phê chuẩn, sau đó chuyển tới các Bộ trưởng Tài chính trong khối Eurozone để kịp có tiền cho Hy Lạp trước ngày 20/8.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.