Công nhân làm việc tại một cơ sở khai thác dầu ở Basra (Iraq). (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)
Trong một tuyên bố, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhấn mạnh nền kinh tế suy giảm cùng với giá cả leo thang do kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ đang khiến nhu cầu dầu trên thế giới chững lại.
Cơ quan này cho rằng với áp lực lạm phát không ngừng và lãi suất tăng vọt, giá dầu cao hơn có thể cho thấy điểm giới hạn về một nền kinh tế toàn cầu vốn đã ở bên bờ vực suy thoái.
Theo phân tích của IEA, nguồn cung dầu thực tế bị cắt giảm hiện nay sẽ ở mức khoảng 1 triệu thùng/ngày, không phải 2 triệu thùng/ngày như OPEC+ đã tuyên bố.
IEA cho biết công suất hạn chế khiến việc một số thành viên OPEC khác như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) không thể khai thác đủ sản lượng mục tiêu sẽ là nguyên nhân chính làm nguồn cung sụt giảm.
Ngoài ra, việc các nước phương Tây siết chặt trừng phạt Nga - một trong số nước đối tác của OPEC, liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine có thể khiến thị trường dầu mỏ bị thắt chặt hơn.
IEA cho rằng bất kỳ sự gián đoạn về nguồn cung dầu mỏ của Nga đối với các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) hay ngoài Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thể đẩy giá trên toàn cầu tăng cao, đồng thời gây thêm áp lực kinh tế đối với người dân.
Ngày 5/10, các Bộ trưởng Năng lượng thuộc OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!