Công nhân lắp ráp điện tử trong một nhà máy ở Noida, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)
Các nền kinh tế mới nổi cần sẵn sàng cho quãng thời gian có thể khó khăn trước mắt trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế thế giới có thể chậm lại do biến thể Omicron. Đây là cảnh báo được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra hôm nay (10/1).
Theo IMF, nền kinh tế toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục phục hồi sau sự tàn phá của đại dịch trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, nguy cơ đối với tăng trưởng vẫn còn lớn do COVID-19 tái bùng phát mạnh mẽ.
Từ giữa tháng 12/2021, biến thể Omicron đã lây lan trên khắp thế giới, khiến số ca mắc mới COVID-19 trên thế giới liên tục tăng cao. Mặc dù Omicron dường như không gây bệnh nghiêm trọng bằng các biến thể trước, nhưng đối mặt với biến thể mới này, nhiều nước đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế, gây cản trở đối với tăng trưởng kinh tế.
Các nhà kinh tế của IMF cho rằng, các nền kinh tế mới nổi cần chuẩn bị cho nguy cơ "xáo trộn kinh tế" trước các tác động của Omicron và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh việc tăng lãi suất khiến các khoản nợ vay bằng đồng USD tăng lên. Bên cạnh đó, các nước mới nổi cũng đang phải đối mặt với lạm phát gia tăng và nguy cơ nợ công cao hơn đáng kể.
Mới đây, FED đã đưa ra các tín hiệu cho thấy sẽ tăng lãi suất sớm hơn và mạnh hơn so với kế hoạch nhằm khống chế lạm phát
Lãi suất cao hơn đồng nghĩa với chi phí tài chính của một số nền kinh tế mới nổi, vay nợ bằng USD, sẽ tăng lên. Các nước này vốn đã bị tụt lại trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, do đó, ít có khả năng gánh thêm chi phí.
Giới chuyên gia nhận định, việc FED đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất có thể gây ảnh hưởng đến các thị trường tài chính, kéo theo việc siết chặt hơn các điều kiện tài chính trên quy mô toàn cầu. Khi đó, nhu cầu và thương mại có nguy cơ chậm lại tại Mỹ và đồng USD giảm giá tại các thị trường mới nổi.
Do đó, IMF khuyến nghị các nền kinh tế mới nổi điều chỉnh phản ứng dựa trên điều kiện và hoàn cảnh của mình. Các ngân hàng đang tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát cần thông báo rõ để mọi người hiểu hơn về nhu cầu ổn định giá cả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!