Tính đến nay, Indonesia đã nhập khẩu 650.000 tấn gạo và ký hợp đồng nhập khẩu thêm 350.000 tấn cho năm nay. Trong đó, một nửa lượng gạo nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam, phần còn lại là từ Thái Lan, Pakistan và Campuchia.
Được biết, trong đợt công bố thầu hồi cuối tháng 3/2024 của Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog), doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 108.000 tấn gạo. Kết quả này ngay sau đó được cho là đã tác động tích cực lên thị trường lúa gạo trong nước, đẩy giá tăng đáng kể.
Do đó nếu đợt mở thầu 300.000 tấn gạo lần này doanh nghiệp Việt Nam thắng thầu với số lượng lớn thì chắc chắn giá gạo trong nước sẽ tăng lên bởi Việt Nam hiện vào cuối vụ thu hoạch nguồn cung không còn dồi dào như trước và có thể khó mua được hàng.
Đầu tuần này giá gạo từ các nguồn cung lớn đều giảm. Cụ thể, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan giảm 10 USD, xuống 571 USD/tấn; gạo cùng phẩm cấp của Pakistan cũng giảm 10 USD, còn 591 USD/tấn; gạo cùng loại của Việt Nam cũng giảm nhưng chỉ sụt nhẹ 1 USD, xuống 576 USD/tấn.
Ở phân khúc 25%, gạo Việt Nam giảm 4 USD hiện còn 554 USD/tấn; gạo Thái Lan giảm 10 USD, giá 526 USD/tấn; gạo Pakistan có giá 549 USD/tấn (giảm 5 USD).
Theo một số doanh nghiệp, giá gạo thế giới đồng loạt giảm vì các nước nhập khẩu gạo đang chuẩn bị vụ thu hoạch lúa đầu tiên trong năm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do vùng trồng lúa lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long sắp kết thúc vụ thu hoạch lúa đông xuân, nguồn cung giảm nên giá có thể tăng trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!