Cơ hội gia tăng giá trị gạo Việt

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 29/03/2024 07:04 GMT+7

VTV.vn - Ngành hàng gạo từng bước nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, nhiều doanh nghiệp và địa phương chú trọng các sản phẩm gạo chất lượng cao.

Niềm vui trên đồng lúa Đông Xuân

1,1 triệu ha lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long, tương ứng 70% diện tích vụ Đông Xuân đã được thu hoạch. Đây là vụ mùa mà các doanh nghiệp và người nông dân coi là quan trọng nhất trong năm, không chỉ sản lượng lớn và chất lượng lúa cũng tốt nhất.

Mặc dù giá thu mua lúa tươi tại ruộng năm nay không còn cao như dịp cuối năm 2023 do giá gạo xuất khẩu đã điều chỉnh, nhưng giá lúa vẫn ở ngưỡng cao, dao động từ 7.500 đồng - 8.500 đồng/kg. Với mặt bằng giá này vẫn tạo nên một vụ mùa được mùa, được giá của bà con Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Đỗ Thanh Toàn - Huyện Vị Thủy, Hậu Giang cho biết: "Với giá rất cao, từ 9.500 đồng - 10.000 đồng/kg giảm xuống còn 8.000 đồng – 8.500 đồng/kg, đây là một điều khiến bà con hết sức quan tâm và là niềm vui vì chưa năm nào chúng ta hưởng được 7.500 đồng/kg".

Anh Ngô Văn Sơn - Huyện Châu Thành A, Hậu Giang chia sẻ thêm, trừ đi các chi phí, năm nay bà con lãi từ phân nửa trở lên. Cũng do vụ đông xuân năm nay, chi phí thấp, lúa nở, công chăm sóc nhẹ hơn các vụ sau.

Ông Đỗ Thanh Toàn cho rằng, bà con vừa trúng mùa, vừa được giá. Nếu theo đà này, cuộc sống bà con nông dân sẽ ngày càng khấm khá hơn.

Cơ hội gia tăng giá trị gạo Việt - Ảnh 1.

Năm nay không chỉ được về giá, về sản lượng do điều kiện thời tiết thuận lợi, mà về chất lượng gạo cũng rất tốt

Doanh nghiệp nỗ lực thu mua gạo để xuất khẩu

Theo các doanh nghiệp, nếu người nông dân nằm trong các mô hình liên kết thì chi phi để sản xuất 1 kg lúa xoay quanh khoảng 4.000 đồng. Và khi giá lúa thu mua từ 7.500 - 8.500 đồng/kg thì lợi nhuận của người trồng lúa là 100%.

Cũng theo đánh giá của các doanh nghiệp, năm nay không chỉ được về giá, về sản lượng do điều kiện thời tiết thuận lợi, mà về chất lượng gạo cũng rất tốt, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính. Vì thế, nhiều doanh nghiệp cũng tập trung mọi nguồn lực để thu mua càng nhiều thóc càng tốt, đặc biệt với những doanh nghiệp có hệ thống sấy và silo lớn.

Ghe nối đuôi nhau, đợi đưa lúa vào sấy, trong vòng 24 giờ sau thu hoạch, lúa tươi cần được sấy càng sớm càng tốt, gạo mới đảm bảo chất lượng dẻo và thơm.

Với tổng công suất trữ 240.000 tấn lúa/80 silo, nhà máy sản xuất gạo của Công ty Cổ phần Lương thực AAn hoạt động 24/24, mục tiêu của doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân càng nhiều càng tốt.

Ông Huỳnh Hữu Trung Kiên – Phó Giám đốc Điều hành ngành Gạo Công ty Cổ phần Lương thực A An cho biết: "Từ đầu năm đến nay, chúng tôi triển khai thu mua khoảng 500.000 tấn lúa gạo các loại nhằm đảm bảo nguồn cung cho các nhà máy trong hệ thống, đảm bảo hoạt động sản xuất, kịp thời giao hàng cho các đối tác, các hợp đồng đã ký trước đó".

Theo đại diện doanh nghiệp, với hệ thống 5 nhà máy sản xuất gạo từ đầu năm đến nay, họ đã xuất khẩu khoảng 200.000 tấn gạo, chủ yếu tới các thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, với giá bán cao nhất của họ là 620 USD/tấn.

Còn Công ty lúa gạo Trung An, họ cũng đã thu mua 80% sản lượng lúa trên các cánh đồng liên kết ở các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích hơn 10.000 ha. Đây là nguồn đầu vào quan trọng để họ thực hiện các hợp đồng đã ký với sản lượng 20.000 tấn gạo.

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty lúa gạo Trung An nhận định: "Riêng các thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam hoàn toàn ổn định, đặc biệt thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines hay Malaysia, Trung Quốc, hiện nay những thị trường đó vẫn rất cần nhập khẩu gạo của Việt Nam".

Cơ hội gia tăng giá trị gạo Việt - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp và địa phương chú trọng các sản phẩm gạo chất lượng cao

Cơ hội gia tăng giá trị gạo Việt

Từ đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ thị đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững. Theo tinh thần của chỉ thị, ngành hàng gạo từng bước nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, nhiều doanh nghiệp và địa phương chú trọng các sản phẩm gạo chất lượng cao.

Sau khi nhập khẩu và bàn giao hơn 2.000 tấn gạo thơm sang Malaysia, đối tác này đã bay thẳng tới Việt Nam và đến tận các nhà máy gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long để tìm hiểu, xúc tiến các hợp đồng mới.

Ông Suherman - Tổng Giám đốc Công ty Chy Marketing, Singapore tâm sự: "Tôi rắt hài lòng với quy trình sản xuất và sản phẩm tại đây. Tôi hy vọng sẽ sớm có cơ hội hợp tác với nhiều lô hàng tiếp theo bởi gạo Việt Nam có chất lượng rất tốt".

Ông Trương Văn Chính - Giám đốc Công ty TNHH XNK Chơn Chính, Đồng Tháp nêu ý kiến: "Chất lượng đầu vào khi chúng ta trồng trọt phải có nguồn gốc, xuất xứ. Chúng ta phải liên kết với các hợp tác xã có uy tín, tạo một thương hiệu, sản phẩm rất tốt".

Hiện 1 tấn gạo thơm có giá xuất khẩu đi Châu Âu và Châu Á có mức hơn 700 USD. Việc tập trung chế biến, xuất khẩu các dòng gạo thơm chính là giải pháp nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, Tiền Giang chia sẻ: "Như ST24, chúng ta có thể bán khoảng 780 USD và DT8 hiện nay bán khoảng 650 USD. Giá đó phù hợp sức mua của các nước".

Về lâu dài, ngành gạo nên sớm có hệ thống sấy, bảo quản quy mô các vùng để sản xuất tập trung với sản lượng lớn, chất lượng cao, chủ động xuất khẩu khi có giá bán tốt nhất.

Tính đến hết quý I, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam dự kiến khoảng 2,07 triệu tấn tương ứng 1,37 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân của gạo Việt Nam trong quý I ở mức cao, neo vùng giá 661 USD/tấn, tăng 5% so với năm 2023. Những con số này một lần nữa khẳng định ngành lúa gạo tiếp tục là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước