Gạo Việt vẫn có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 28/03/2024 15:07 GMT+7

VTV.vn - Nếu Việt Nam vẫn đảm bảo giữ vững được sản lượng gạo xuất khẩu sẽ có nhiều hơn cơ hội chiếm lĩnh thị trường.

Giá gạo tiếp tục xu hướng tăng

Thị trường hàng hoá toàn cầu sắp kết thúc quý đầu tiên của năm 2024. Trong đó, gạo là một trong những mặt hàng thực phẩm thiết yếu chịu nhiều áp lực và liên tục đối mặt các nhịp điều chỉnh kể từ đầu năm. Theo Sở giao dịch Hàng hoá Việt Nam, sau năm 2023 nhiều biến động về nguồn cung và giá cả, thương mại, gạo toàn cầu tiếp tục "nóng" suốt 3 tháng qua.

Nếu như nhìn vào biểu đồ giá gạo của top 3 nhà xuất khẩu cung cấp khoảng 70% lượng gạo bán ra toàn cầu thì giá gạo tại Ấn Độ và Việt Nam đều tăng mạnh. Trong khi giá gạo Thái Lan lại điều chỉnh giảm khoảng 17 USD/tấn so với cuối năm ngoái với lý do nước này đang bước vào mùa vụ và đồng Baht yếu hơn so với đồng USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì đây chủ yếu là những yếu tố mang tính thời vụ. Giá gạo xuất khẩu được dự báo là vẫn trong xu hướng tăng thời gian tới.

Gạo Việt vẫn có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường - Ảnh 1.

Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định: "Nguyên nhân chính đẩy giá gạo xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng trong quý I/2024 bao gồm: Thứ nhất, nguồn cung thu hẹp do điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều quốc gia cung ứng lớn buộc phải cấm và hạn chế xuất khẩu. Điều này càng khiến nhu cầu nhập khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại nhiều thị trường gia tăng, dẫn đến yếu tố tác động thứ 2 về nhu cầu. Thứ ba, mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng gạo thế giới, tuy nhiên căng thẳng Biển Đỏ, các xung đột chính trị cũng đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gặp gián đoạn, với việc chi phí logistics, thời gian vận tải bị độn lên đáng kể".

Thực tế quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn chưa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng áp dụng kể từ giữa năm ngoái. Còn Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai cũng cho biết khối lượng gạo xuất trong năm nay có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, tức giảm hơn 14% so với năm ngoái. Có thể thấy, nguồn cung gạo từ cả Ấn Độ và Thái Lan đang siết chặt nên giá gạo thế giới khó có thể giảm trong quý II tới. Trong bối cảnh này, nếu Việt Nam vẫn đảm bảo giữ vững được sản lượng sẽ có nhiều hơn cơ hội chiếm lĩnh thị trường.

Cơ hội gạo Việt ở Trung Đông

Hạt gạo Việt Nam thời gian qua nhận được sự quan tâm đặc biệt trên thị trường quốc tế, trong bối cảnh một số nguồn cung gạo chủ chốt trên thế giới chịu nhiều biến động. Song bên cạnh đó, vẫn sẽ cần những chiến lược để chủ động nâng cao giá trị và mở rộng cơ hội cho hạt gạo Việt Nam đến các thị trường lớn, trong đó có thị trường Trung Đông.

Al Kami là doanh nghiệp tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất chuyên nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Gạo Việt Nam được nhập về để phục vụ các nhà hàng châu Á, bao gồm cả các nhà hàng cao cấp, sau một quá trình kiểm tra kỹ lưỡng.

Ông Fazal Veettil - Công ty Kami Foodstuff Trading, UAE cho biết: "Gạo Việt Nam được chúng tôi nấu thử, đưa cho các đầu bếp kiểm định. Và những gì chúng tôi nhập về là những loại gạo rất chất lượng".

"So với gạo một số nước khác thì gạo Việt Nam trắng sáng hơn, nhìn đẹp mắt hơn", ông Shaji Vasu - Công ty Kami Foodstuff Trading, UAE đánh giá.

Gạo Việt vẫn có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường - Ảnh 2.

Hạt gạo Việt Nam thời gian qua nhận được sự quan tâm đặc biệt trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, nếu nhìn trên các kệ siêu thị, gạo Việt Nam vẫn chỉ chiếm phần nhỏ. Điều này bắt nguồn từ khẩu vị với gạo của đa phần người dân Trung Đông và nhiều nước bên bờ Địa Trung Hải. Hạt gạo để nấu cơm tại đây thường phải rời, không dính. Bởi cơm thường hay nấu kèm với các loại sốt như thế này. Các loại gạo chất lượng của Việt Nam như tám thơm hay ST25 vì thế không dễ phát huy thế mạnh tại đây.

Ông Dhananjay Datar - Công ty Al Adil Trading, UAE cho biết: "Như Ấn Độ, hiện đang sản xuất tới khoảng 45 chủng loại gạo trắng khác nhau. Tôi tin rằng những nhà cung ứng từ Việt Nam nếu làm một cuộc khảo sát sẽ thấy đang có những nhu cầu rất lớn và đa dạng với các loại gạo trắng khác nữa".

Một loại gạo được người tiêu dùng tại Ấn Độ khá ưa chuộng được gọi là gạo đồ. Một loại gạo được ngâm nước ấm, rồi hấp chín trước khi mang đi xay xát. Điều được cho sẽ giúp làm cho gạo giữ được chất dinh dưỡng tốt hơn. Có thể thấy người tiêu dùng đang không chỉ quan tâm ăn loại gạo nào cho thơm, cho no bụng, mà còn làm sao cho bổ, hay thậm chí làm sao cho xinh đẹp nữa.

Gạo Việt Nam xuất khẩu tại Trung Đông hiện cũng phải đóng chung bao bì với gạo Thái Lan và một số nước khác. Người tiêu dùng có ăn gạo Việt Nam, cũng hầu hết chẳng có ý niệm gì về hình ảnh hạt gạo Việt Nam.

Hiện khoảng 50% nhu cầu lương thực tại Trung Đông là phải nhập khẩu. Trong đó nhập khẩu gạo dự báo sẽ tăng trưởng mạnh khi đây là 1 trong 2 khu vực có tốc độ tăng dân số nhanh nhất thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

gạo việt nam

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước