Một số bài trên báo chí Italy đã đưa tin về sự điều chỉnh trong kế hoạch ngân sách dự kiến 2016 này.
Báo Corriere della Sera cho biết, Italy sẽ bãi bỏ một số sắc thuế đánh vào bất động sản và giảm thuế đánh vào các doanh nghiệp. Trước đây, Ủy ban châu Âu đã ép Italy phải tăng thuế, để có thêm tiền giảm gánh nặng nợ công, đồng thời cắt giảm tối đa chi tiêu của chính phủ. Hiện nay, giai đoạn khó khăn nhất đã qua, Italy dự tính năm 2016 sẽ chi tiêu nhiều hơn năm nay, khoảng 27 tỷ Euro để kích thích nền kinh tế.
Theo báo Il Sole 24, tại Italy, “mức thâm hụt ngân sách năm nay chỉ còn tương đương 2,2% tổng sản phẩm quốc nội”, thấp hơn mức hạn định 3% mà Ủy ban châu Âu áp đặt cho các nước thành viên. Nợ công vẫn cao nhưng Chính phủ của ông Matteo Renzi đã cam kết sẽ “đưa nợ công về mức tương đương 131% tổng sản phẩm quốc nội” trong năm sau.
Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa hoàn toàn kết thúc, thế nhưng, hiện nay, chỉ còn Hy Lạp là vẫn phải tiếp tục chính sách kinh tế khắc khổ. Các nước phía Nam châu Âu đang dần dần giảm thuế và tăng đầu tư công. Còn Ủy ban châu Âu vẫn rất thận trọng. Hôm đầu tuần, Ủy ban châu Âu đã bác bỏ kế hoạch ngân sách năm sau của Tây Ban Nha vì cho là “có nguy cơ không tuân thủ Hiệp ước Bình ổn và Tăng trưởng”. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Tây Ban Nha chỉnh sửa kế hoạch ngân sách năm sau, để đảm bảo chắc chắn là vẫn ở trong ngưỡng an toàn.
Lúc này, Ủy ban châu Âu chưa có ý kiếnvề kế hoạch ngân sách của Italy. Theo báo Libero ra tại thành phố Milan, chắc chắn, các chi tiết sẽ được Ủy ban châu Âu soi kỹ, từ những tỷ lệ phần trăm thuần túy kinh tế vĩ mô cho đến những chi tiết nhỏ. Dù sao, kế hoạch chi tiêu của Italy cũng như của Tây Ban Nha và Ailen, chắc chắn là đang thoát dần khỏi những ràng buộc của chính sách khắc khổ.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.