Một đường dây mua bán hóa đơn khống với những thủ đoạn lách luật tinh vi đã qua mắt được các cơ quan chức năng gần chục năm qua, ước tính làm thất thu thuế gần 140 tỷ đồng. Một câu hỏi được đặt ra là phải chăng đang có những kẽ hở trong công tác quản lý hóa đơn thuế để các đối tượng dễ dàng trục lợi tiền thuế?
Chỉ tốt nghiệp Bổ túc văn hóa cấp 3 và không được đào tạo chuyên môn nào nhưng một người đàn ông đã được thuê làm giám đốc của hai doanh nghiệp xuất bán hóa đơn khống. Theo điều tra của cơ quan công an, có thời điểm vị giám đốc thuê này đã ký hóa đơn khống có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng, trong khi chính bản thân anh ta cũng không biết đó là giao dịch thanh toán gì.
Theo quy định chỉ cần chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu là có thể thành lập một doanh nghiệp mà không cần đến các điều kiện như cơ sở vật chất, vốn hay trình độ năng lực của đương sự. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính là cần thiết, song từ đây cũng tạo kẽ hở để các đối tượng thành lập hàng loạt doanh nghiệp ma để bán hóa đơn. Bên cạnh đó việc quy định doanh nghiệp không phải kê khai chi tiết hóa đơn hàng hóa đã sử dụng khiến cho cơ quan chức năng khó có thể phát hiện hành vi mua bán hóa đơn khống.
Đại diện Cục thuế TP. Hải Phòng thừa nhận, vụ mua bán hóa đơn khống vừa triệt phá là vụ việc nghiêm trọng và có sự hạn chế nhất định trong công tác quản lý của ngành thuế cũng như cán bộ thuế quản lý địa bàn.
Một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh những sơ hở trong công tác quản lý, giám sát của cơ quan thuế, chế tài xử phạt cho hành vi mua bán hóa đơn khống hiện còn ở mức nhẹ với khung hình phạt chỉ từ 3 đến 5 năm tù, do vậy không đủ sức răn đe với những đối tượng trục lợi từ mua bán trái phép hóa đơn thuế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!