Đây là kế hoạch nằm trong đề án tổng thể về quy hoạch phát triển hệ thống năng lượng đất nước. Những nhà máy điện hạt nhân này sẽ đóng vai trò lớn trong việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế Nga trong nhiều thập kỷ.
Theo dự án, đến năm 2042, Nga cần có thêm 11 nhà máy điện hạt nhân lớn và nhỏ, trong đó bao gồm việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới thay thế cho các nhà máy Kursk, Kolskaya và Smolensk hiện có, cũng như tổ hợp năng lượng thế hệ mới với lò phản ứng BREST-OD-300. Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Rosatom khẳng định, kế hoạch xây dựng 28 GW điện hạt nhân mới là mục tiêu đầy tham vọng của Nga nhằm cung cấp năng lượng sạch cho các khu vực của đất nước trong nhiều thập kỷ tới và tạo cơ sở phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố, đến năm 2045, tỷ trọng năng lượng hạt nhân trong cân bằng năng lượng tổng thể của Nga sẽ tăng lên 25%. Hiện tại, tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân ở Nga là khoảng 20% và ở phần Châu Âu của đất nước, con số này lên tới 40% - đây là nguồn năng lượng sạch lớn nhất của Nga.
Hiện Nga có 11 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, với 37 tổ máy điện có tổng công suất lắp đặt lên đến 30 GW.
Nga là nước đầu tiên đã xây dựng và vận hành các tổ máy điện hạt nhân trang bị lò phản ứng thế hệ 3+ và hiện tại đang phát triển lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 4. Năng lượng hạt nhân ở Nga hiện được xem là đầu tàu cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!