Cần thiết phát triển điện hạt nhân
Dự báo nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao. Tổng công suất hệ thống điện hiện nay của Việt Nam khoảng 80 GW, dự báo cần thêm khoảng 70 GW vào năm 2030.
Việc phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu kép: vừa cung cấp điện nền, vừa giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời phát triển nhân lực chất lượng cao và nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia.
Đây là một trung tâm dữ liệu có chức năng lưu trữ, xử lý dữ liệu của một cơ quan. Với hệ thống 450 máy chủ và các hệ thống phụ trợ khác, trung tâm này một năm có thể tiêu tốn 2,6 triệu kWh điện. Ngày càng nhiều cơ quan, doanh nghiệp xây dựng các trung tâm dữ liệu với quy mô lớn để chuyển đổi số.
Theo tính toán, GDP của nước ta tăng 10% thì điện phải tăng 15%. Thế nhưng, nếu Việt Nam tăng tốc nhanh và mạnh trên con đường chuyển đổi số thì tăng trưởng điện phải đạt trên 15%, có thể lên tới 18-20%.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu là hạ tầng mới của nhân loại. Sự phát triển tiếp theo của nhân loại sẽ phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu và xử lý dữ liệu. Nhưng hạ tầng dữ liệu thì tốn và tốn rất nhiều điện. Một trung tâm dữ liệu siêu lớn tiêu tốn hàng trăm MW. Tại Malaysia, người ta đang xây dựng những trung tâm dữ liệu tới 500 MW. 4 trung tâm như thế này đã tiêu thụ hết cả một nhà máy thuỷ điện Hoà Bình".
Để có thể vận hành các nhà máy thông minh, nông trại thông minh, đô thị thông minh; để ứng dụng các công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật và các hoạt động kinh tế xã hội đều cần có nguồn điện lớn và sạch để đảm bảo phát triển bền vững.
Ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: “Có thể khẳng định rằng, quyết định tái khởi động Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, và nói rộng hơn là triển khai chương trình điện hạt nhân là một chủ trương đúng đắn và hết sức cần thiết nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050”.
Năm 2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đến tháng 11/2016, do nhiều nguyên nhân, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dừng thực hiện chủ trương này. Hơn 8 năm qua, tỉnh Ninh Thuận quản lý nguyên trạng các hạng mục công trình của dự án này.
Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận nêu ý kiến: “Nhân dân vùng dự án và cử tri Ninh Thuận rất đồng tình, tin tưởng, chấp hành cao các quyết định, chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Đây là một trong những vinh dự rất lớn lao của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận”.
Hiện nay, trước nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam dự báo tiếp tục tăng cao, việc tiếp tục triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là hết sức cấp thiết, đảm bảo mục tiêu cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định, là nguồn năng lượng xanh và bền vững cho đất nước.
Hiện nay trên thế giới nhiều quốc gia cũng đã đầu tư rất nhiều vào điện hạt nhân - Ảnh: AFP
Thời điểm phù hợp tái khởi động điện hạt nhân
Nền kinh tế Việt Nam đang có những bước tiến vững chắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nợ công được kiểm soát tốt, quy mô tổng sản phẩm trong nước ngày càng tăng cao. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân, vốn đã phải tạm dừng vào năm 2016.
Đây là địa điểm dự kiến xây một trong hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam - Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Dự án được Quốc hội thông qua vào năm 2009 và vào năm 2016 đã dừng lại.
Thời điểm đó, GDP của Việt Nam mới đạt khoảng 205 tỷ USD, tuy nhiên trong năm ngoái con số này đã tăng lên gấp đôi, đạt gần 430 tỷ USD. Tỷ lệ nợ công so với GDP năm 2016 cũng là cao nhất, khoảng 63,7%, trong khi đó năm 2023 chỉ 37%, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% do Quốc hội đã đề ra. Về nguồn lực có thể đáp ứng mức đầu tư cho điện hạt nhân.
Hiện nay trên thế giới nhiều quốc gia cũng đã đầu tư rất nhiều vào điện hạt nhân.
Ông Đào Nhật Đình - Chuyên gia tư vấn độc lập về năng lượng và môi trường nhận định: "Nhìn quanh thì nước nghèo hơn chúng ta là Bangladesh, họ cũng đã bắt đầu xây lò và sắp sửa có lò chạy. Việc Việt Nam xây vào thời điểm này không những về mặt kinh tế chúng ta đủ tiềm lực mà về mặt nhu cầu, chúng ta cũng cần”.
Phó Giáo sư Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, một trong những người đầu tiên nghiên cứu và đặt nền móng cho điện nguyên tử tại Việt Nam đánh giá: Thời điểm trước đây, hầu hết các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới vẫn đang ở thế hệ thứ hai, hệ thống công nghệ cũ. Công nghệ hạt nhân ở thời điểm này cũng đã có bước phát triển vượt bậc.
PGS.TS. Vương Hữu Tấn - Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đưa ra nhận định: “Đối với những thế hệ hạt nhân thế hệ III, III + hiện nay, có thể nói, về cơ bản chúng ta có thể yên tâm về việc đảm bảo an toàn. Người dân có thể yên tâm không ảnh hưởng đến môi trường, đến con người”.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là vào các mùa cao điểm. Nếu không có thêm nguồn năng lượng lớn và ổn định như điện hạt nhân, áp lực năng lượng cho tăng trưởng ngày càng lớn.
Điện hạt nhân có hiệu suất hoạt động rất cao, thường hoạt động trung bình khoảng từ 7.000 - 9.000 giờ mỗi năm (tương đương khoảng từ 80-100% thời gian hoạt động). Con số này vượt trội so với các loại hình sản xuất điện khác như điện than từ 4.000- 5000 giờ mỗi năm, điện khí khoảng 3.000 giờ mỗi năm, hay điện năng lượng tái tạo từ 1.000-3.000 giờ.
Phát triển nguồn điện này còn giúp Việt Nam có cơ hội tranh thủ các nguồn lực quốc tế về tài chính, khoa học và công nghệ, nhân lực chất lượng cao qua các chương trình hợp tác, cũng như nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia và tạo cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân. Phát triển điện hạt nhân không phải ngày một ngày hai, vì thế nếu không tái khởi động thời điểm này, cơ hội phát triển sẽ không chờ đợi chúng ta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!