Nhiều doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm chưa kịp phục hồi, đứng trước bờ vực phá sản. Một khi doanh nghiệp phá sản, thì tiền thuế cũng không thể thu được. Trong khi nếu tăng thời gian giãn thuế lên 12 tháng, thay vì 5 tháng như hiện nay, có thể sẽ giúp doanh nghiệp thêm "ô xy", tăng "máy thở", để phục hồi sản xuất.
Ngay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các "liều thuốc" kịp thời để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong đó, có 2 chính sách nội bật nhất.
Đó là Nghị định 41 gia hạn thời gian nộp một số loại thuế (Thu nhập doanh nghiệp, Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân), tiền thuê đất. Ngoài ra, gói hỗ trợ tín dụng 300 nghìn tỷ đồng cũng đã được tung ra.
Hàng trăm nghìn tỷ đã được các ngân hàng giải ngân để hỗ trợ các doanh nghiệp
Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, sau hơn 2 tháng triển khai, gần 770 nghìn tỷ đồng đã được các ngân hàng thương mại giải ngân cho vay mới. Mức lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước khi có dịch. Con số này cao hơn gấp đôi so với cam kết khoảng 300 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mà các ngân hàng đưa ra trước đó. Hàng trăm nghìn khách hàng cũng đã được cơ cấu, giãn thời hạn trả nợ.
Doanh nghiệp chưa đủ "liều thuốc" để hồi phục
Tập đoàn Sun Group cho biết, từ dịp lễ 30/4 vừa qua, các khu vui chơi giải trí của tập đoàn này mới bắt đầu mở cửa trở lại. Tuy nhiên, lượng khách đã giảm khoảng 3 triệu khách. Bà Bùi Thị Thanh Hương – Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group cho biết, ước tính, năm nay doanh thu của tập đoàn chỉ đạt khoảng 70 - 80% so với cùng ký năm ngoái.
Bà Bùi Thị Thanh Hương – Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group.
"Chính sách miễn giãn thuế của Chính phủ rất thiết thực với doanh nghiệp. Nhưng với ngành du lịch không chỉ cần 5 tháng mà cần kéo dài hơn. Đặc biệt khi tình hình dịch trên thế giới ko biết đến bao giờ. Khách du lịch đến Việt Nam hoặc từ Việt Nam đi nước ngoài ko biết bao giờ mới phục hồi. Chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ giãn hoãn từ 12 tháng trở lên sẽ tốt cho ngành này hơn, đóng góp tới 9,2% cho GDP", bà Hương cho hay.
Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty lữ hành Vietravel thì cho biết: "Chúng tôi hiểu rằng cả nước đều đang khó khăn, nhưng du lịch, 1 ngành mũi nhọn, bản thân nó ko thể tự đứng lên được.... Bên cạnh cái miễn giảm hoàn thuế, chúng tôi đề nghị thuế VAT nên đưa xuống, từ 10% xuống 5% trong vòng 6 tháng - 1 năm rồi quay trở lại. Giống như trước đây khủng hoảng 2008 Chính phủ đã từng làm".
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Mỹ nghệ Thăng Long cho biết dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu vẫn chưa phục hồi trở lại, nên hoạt động của công ty rất khó khăn.
"Nhiều lúc tưởng rằng phá sản doanh nghiệp, rất may Chính phủ đã kêu gọi các Bộ ngành giúp đỡ doanh nghiệp, để doanh nghiệp ổn định, tồn tại và phát triển. Nhà nước đã giãn cho Doanh nghiệp 5 tháng thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều đó cực kỳ tốt rồi, nhưng những tháng đó đúng đại dịch xảy ra, nó đi qua rất nhanh, tới nay đã hết rồi. Các doanh nghiệp chưa cố gắng được gì, rất mong giãn cho chúng tôi đủ 12 tháng, để ổn định hơn", ông Bình nói thêm.
Các doanh nghiệp mong muốn giãn, hoãn thuế từ 12 tháng trở lên
Đồng tình quan điểm với các doanh nghiệp, Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: "Kéo dài các khoản phải nộp cho DN rất cần thiết. Mặc dù chúng ta đang kiểm soát được, nhưng nền kinh tế thế giới vẫn khó khăn. Đặc biệt với những thị trường trọng điểm của Việt Nam, châu Âu hay Hoa Kỳ. Việt Nam vẫn gặp khó khăn về thị trường, 60-70% cho rằng đang gặp khó khăn nhất về thị trường. Viễn giãn, kéo dài thời gian nộp thuế, lãi ngân hàng sẽ giúp đỡ được các DN Việt Nam."
Các giải pháp của Chính phủ được ví như liều thuốc đối với các doanh nghiệp. Một số chuyên gia cho rằng: "Thuốc có thể không cần nhiều nhưng phải đủ liều lượng". Trong đó, các chính sách về giãn thuế đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm hàng đầu.
Đại biểu Quốc hội: "Nên giãn thuế để giúp doanh nghiệp hồi phục"
Bên hàng lang Quốc hội, một số đại biểu cũng thừa nhận rằng Chính phủ đã gia hạn thời gian nộp một số loại thuế cho DN trong vòng 5 tháng. Nhưng thực tế, có nhiều doanh nghiệp suốt các tháng đầu năm chưa phát sinh thu nhập, chưa kịp phục hồi đã lo tiền đóng thuế.
Ông Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu ý kiến: "Hiện nay Chính phủ đang có dự thảo trình Quốc hội sẽ giảm thuế cho DN nhỏ và siêu nhỏ, tôi nghĩ đây là điều cần thiết. Quan điểm của tôi là ủng hộ, nếu làm việc này sẽ giúp DN tăng nguồn lực, phục hồi nhanh".
Còn đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng "Thời gian giãn thuế 5 tháng quá ngắn, chỉ tới tháng 6 này sẽ tạo ra sức ép cho DN, nên tính tuỳ theo ngành nghề lĩnh vực kinh doanh. Ngành nào phục hồi sớm thì nên tính ngắn, còn ngành nào muộn thì nên kéo dài hơn. Tôi cho rằng độ trễ chính sách kéo dài giãn hoãn đó thì ít nhất phải thêm 1 quý".
Các chuyên gia cũng cho rằng, kéo dài thời hạn giãn thuế sẽ làm hụt thu ngân sách năm nay. Tuy nhiên, nếu không được hỗ trợ kịp thời, khả năng phát triển lâu dài của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu quan điểm: "Năm nay thu thì giảm, mà chi thì không giảm, mà thậm chí còn gia tăng thêm. Những chỉ tiêu về bội chi, về trần nợ công phải điều chỉnh ngay để đảm bảo trong bối cảnh này ta có thể điều hành một cách linh hoạt và duy trì năng lực tăng trưởng cho nền kinh tế vượt qua dịch. Trên thế giới này người ta đều làm thế cả".
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, chính sách cần được quyết định sớm, bởi nếu càng chậm trễ, sẽ đứng trước nguy cơ càng nhiều DN không trụ được, phải giải thể, phá sản. Riêng trong quý 1, đã có hơn 34.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường.
Bộ Tài chính: Phải trình Quốc hội xem xét việc giãn thuế
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020 diễn ra chiều tối ngày 2/6/2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết trước đề xuất giãn nộp thuế từ 5 tháng lên 12 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính phải xem xét báo cáo trình Quốc hội.
Về vấn đề giãn hạn nộp thuế từ 5 lên 12 tháng theo đề xuất của nhiều doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai cho biết: "Theo quy định quản lý thuế, việc gia hạn thuế ảnh hưởng đến dự toán ngân sách cả năm thì phải trình Quốc hội, còn nếu không ảnh hưởng đến dự toán ngân sách thì thuộc thẩm quyền Chính phủ xem xét. Vì giãn nộp thuế 5 tháng sẽ không ảnh hưởng đến dự toán năm 2020 này bởi 5 tháng các nghĩa vụ thuế được gia hạn vẫn sẽ được nộp trong năm 2020, nên Bộ Tài chính đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định 41 thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Vì vậy, trường hợp gia hạn dài hơn thì phải báo cáo Quốc hội".
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc cân đối ngân sách để đưa ra các gói hỗ trợ không hề dễ dàng. Tuy nhiên, hỗ trợ của Chính phủ đối với Doanh nghiệp được ví như liều thuốc quý. Và thuốc có thể không cần nhiều nhưng phải đủ liều lượng, thì mới có thể giúp DN hồi phục. Trong đó, việc tính toán kéo dài thời gian của các gói hỗ trợ được coi là liều thuốc "sống còn" đối với nhiều doanh nghiệp. Không chỉ Việt Nam, hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đang chạy đua dồn dập, thiết kế các gói bơm tiền, giãn thuế, kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!