Kết quả khảo sát PCI 2022: Những thách thức nào doanh nghiệp cần vượt qua?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 15/04/2023 10:14 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh nỗi lo về tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống, công ăn việc làm, người dân và doanh nghiệp còn lo ngại về hiệu quả quản trị, các chi phí không chính thức…

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI vừa được công bố trong tuần này. Hai chỉ số này được coi là "nhiệt kế" về đánh giá của người dân và doanh nghiệp đối với hiệu quả thực thi chính sách của chính quyền 63 tỉnh, thành trong năm 2022. 

Năm 2022 là giai đoạn các hoạt động kinh tế xã hội được mở cửa trở lại sau 2 năm phòng chống dịch COVID-19 căng thẳng. Thế nhưng, bên cạnh nỗi lo về tác động của đại dịch đến đời sống, công ăn việc làm, người dân và doanh nghiệp còn lo ngại ngày càng tăng về hiệu quả quản trị, các chi phí không chính thức, sự nhũng nhiễu, tham nhũng ở chính quyền các địa phương. Bảng xếp hạng PCI được hình thành từ hệ thống 10 chỉ số thành phần như chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức… thực hiện khảo sát với khoảng 12.000 doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát PCI 2022: Những thách thức nào doanh nghiệp cần vượt qua? - Ảnh 1.

Quảng Ninh tiếp tục lần thứ 6 đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022 với 72,95/100 điểm. Nhiều tỉnh thành đã bứt phá về thứ hạng năm nay như Bắc Giang tăng 29 bậc xếp thứ 2, Bà Rịa - Vũng Tàu lần đầu tiên góp mặt trong top 5, Hưng Yên tăng 25 bậc đứng thứ 14 cả nước, Lạng Sơn, Khánh Hoà, Sóc Trăng…

Mặt khác, năm vừa qua, vị thứ của các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng có xu hướng giảm. Một mặt điều này phản ánh tình hình kinh tế khó khăn và không khí kinh doanh ở các trung tâm kinh tế năm vừa rồi đi xuống.

PCI 2022 ghi nhận sự chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, chi phí không chính thức, tính minh bạch.

Còn với chỉ số PAPI 2022, nếu so sánh từ năm 2019, thời điểm trước COVID 19 đến nay, 4/8 chỉ số thành phần tăng như sự tham gia của người dân cấp cơ sở; công khai minh bạch trong việc ra quyết định, thủ tục hành chính công và quản trị điện tử. Khoảng cách trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm vừa qua giữa nhóm điểm cao nhất và điểm thấp nhất đã thu hẹp, nhưng hiệu quả quản trị lại không tăng so với năm 2021.

Kết quả khảo sát PCI 2022: Những thách thức nào doanh nghiệp cần vượt qua? - Ảnh 2.

Chính quyền đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp

Trong khi đó, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI do Chương trình phát triển LHQ thực hiện cho thấy trong năm 2022 đói nghèo, tăng trưởng kinh tế và việc làm là các vấn đề được người dân coi trọng nhất. Niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế của hộ gia đình và của quốc gia trong năm qua có tăng lên, nhưng kinh tế cá nhân lại sụt giảm. Còn với doanh nghiệp đã có sự cầm chừng về kế hoạch sản xuất kinh doanh thời gian tới… Điều này đòi hỏi chính quyền các địa phương chủ động trong tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ kịp thời cho người dân doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Với chuỗi sản xuất giấy khép kín, bài toán với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang là làm sao quản lý và điều hành quy trình sản xuất tập trung 1 chỗ, mục đích là nhằm tiết giảm chi phí, tối ưu hoá quy trình sản xuất trước những khó khăn của thị trường.

Ông Hà Ngọc Hoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang, cho biết: "UBND tỉnh tạo điều kiện hết mức trong vấn đề thủ tục hành chính cũng như giải quyết các việc để giải quyết vấn đề sử dụng đất và giao đất để kịp thời xây dựng nhà xưởng và đầu tư cho sản xuất".

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã phân cấp ủy quyền đến 50 thủ tục hành chính cho các Giám đốc sở và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố giải quyết, hỗ trợ, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Nhờ đó, tạo sự chủ động, đồng bộ trong phát triển hạ tầng và các yếu tố phục vụ thu hút đầu tư và phát triển.

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, nói: "Về việc phân cấp ủy quyền có rất nhiều nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong dịch bệnh, Bắc Giang cũng đã phân cấp cho sở và huyện giải quyết các thủ tục liên quan đến chính sách cho người lao động, hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn để phục vụ phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch".

Trong bối cảnh hậu COVID-19, làm sao để bắt nhịp đà phục hồi, rồi thúc đẩy tăng trưởng là bài toán không hề dễ dàng với nhiều địa phương và doanh nghiệp. Nhiều sáng kiến thu hút đầu tư, cải cách hành chính, huy động nguồn lực đầu tư đã được triển khai rốt ráo.

Kết quả khảo sát PCI 2022: Những thách thức nào doanh nghiệp cần vượt qua? - Ảnh 3.

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Chúng tôi chọn lọc các công trình trọng điểm mang tính đột phá để tập trung đầu tư. Chúng tôi đã tái cơ cấu đầu tư công, loại bỏ những công trình không cần thiết để tập trung những công trình kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình an sinh xã hội phục vụ cho người dân và doanh nghiệp để thực hiện".

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhận định: "Các thủ tục hành chính được kiểm soát và chúng tôi quyết định cắt giảm 25% thời gian xử lý công việc năm 2021. Tiếp tục các năm sau căn cứ lộ trình để giảm thời gian làm hồ sơ, thủ tục cho các doanh nghiệp. Còn đối với các doanh nghiệp, hàng tháng chúng tôi cũng tổ chức tiếp xúc các tập đoàn đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp, tổng lãnh sự, đại sứ để nghe tất cả doanh nghiệp, nhóm quốc gia gặp khó khăn, vướng mắc".

Chất lượng thực thi và kiểm soát tham nhũng ở địa phương giảm

Trong bối cảnh phục hồi kinh tế, làm sao phát huy được các nguồn lực, giảm tình trạng tham nhũng là một trong những ưu tiên. Báo cáo PAPI 2022 ghi nhận cải thiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương giúp cảnh báo sớm nguy cơ sai trái, tham nhũng nhưng sự hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016.

Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam: Qua theo dõi nhiều năm, đất đai là một trong những vấn đề dễ xảy ra các vấn đề tranh chấp giữa người dân chính quyền và tham nhũng. Đáng chú ý năm nay việc thu hồi đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn vẫn là một vấn đề nổi cộm cần được giải quyết bằng các quy định chặt chẽ hơn về minh bạch và tiếp cận thông tin đất đai một cách bình đẳng.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam: Nhiều tỉnh thành phố đã có sự chuyển biến tích cực về tính công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương nhưng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ này theo chúng tôi đo lường được thì hầu như đang có dấu hiệu chững lại. Tỉ lệ người dân tìm kiếm và tiếp cận được thông tin chính sách, pháp luật của nhà nước thấp hơn so với năm trước. Chúng tôi khuyến nghị cần tiếp tục tăng cường về năng quản trị điện tử trong thời gian tới.

Giáo sư Edmund Malesky, Trường Chính sách công Sanford, Đại học Duke, Hoa Kỳ: Các cấp chính quyền địa phương cần nâng cao hiệu quả quản trị điện tử, để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn. Qua khảo sát năm ngoái, tỉ lệ người dân cho biết họ có thể thực hiện một phần dịch vụ công trực tuyến để làm thủ tục xin xác nhận của chính quyền địa phương hoặc thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp hơn so với năm 2021. Số người trả lời cho biết họ đã sử dụng hoặc có hồ sơ người dùng trên dịch vụ công quốc gia còn thấp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Vai trò của chính quyền các tỉnh thành phố, sự năng động, hỗ trợ, sự đồng hành với doanh nghiệp hết sức quan trọng. Những chính sách hỗ trợ chúng ta đã có, Quốc hội và Chính phủ vừa rồi ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng quan trọng là chất lượng thực thi tại chính quyền các tỉnh thành phố.

Bên cạnh những vấn đề chúng tôi đã phân tích ở trên, kết quả khảo sát PCI 2022 cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đã và đang gặp phải, trong đó, tiếp cận tín dụng được cho là vấn đề hàng đầu. Phản ánh của đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng cho thấy, các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất vẫn là thuế, phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy, chữa cháy và xây dựng. Qua bảng xếp hạng PCI và PAPI đã cho thấy chất lượng cải cách phụ thuộc vào tư duy, quyết tâm, tinh thần năng động, cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo chính quyền địa phương.

Chương trình Sự kiện và Bình luận phát sóng ngày 15/4 với khách mời là ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh sẽ trao đổi chi tiết về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước