9 tháng đầu năm 2022, tổng lợi nhuận trước thuế của 28 ngân hàng đạt 192.500 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Hết 3 quý, 7 ngân hàng gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ đồng, 9 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng trên 50%.
Dù cũng có một số trường hợp ngân hàng thua lỗ, hay tăng trưởng chậm lại, nhưng con số cũng chỉ là đơn lẻ. Trên thực tế, so với top 10 lợi nhuận cùng kỳ, lần này vẫn là những cái tên khá quen thuộc và không có nhiều bất ngờ, chỉ có một chút xáo trộn tới từ VPBank và SHB. Trong khi lợi nhuận VPBank tăng mạnh lên vị trí thứ 3 nhờ nguồn thu đột biến từ thỏa thuận độc quyền với bảo hiểm AIA, SHB có mức tăng tới 79% - vượt qua HDBank, VIB để đứng ở vị trí thứ 8.
Ngân hàng đa dạng động lực tăng trưởng lợi nhuận
9 tháng đầu năm 2022, tổng lợi nhuận trước thuế của 28 ngân hàng đạt 192.500 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Chính sách tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng đã kết thúc từ cuối tháng 6 năm nay. Do đó, các ngân hàng cũng không còn chịu áp lực phải miễn, giảm lãi, hy sinh lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đây cũng là cơ sở để các tổ chức tín dụng đảm bảo đa dạng nguồn thu.
Dù là số ít được nới hạn mức mức tín dụng mới đây, nhưng ngân hàng VIB luôn chú trọng đa dạng hóa nguồn thu, từ đó đa dạng hóa các chỉ tiêu phân bổ cho nhân viên. Ước tính các loại thu nhập ngoài lãi của ngân hàng vẫn chiếm tới 17% tổng thu nhập.
"Huy động và tín dụng đi liền với nhau. Nếu trong trường hợp không tăng trưởng tín dụng thì cũng không tăng nóng về huy động, nhưng thẻ tín dụng, phân phối sản phẩm bảo hiểm, chất lượng dịch vụ khách hàng còn nhiều trọng tâm mà chúng tôi sẽ phân cho nhân viên và chưa thấy bạn nào kêu ca thiếu mục tiêu để phấn đấu", ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB chia sẻ.
Một nguồn thu đáng kể khác là cho ngân hàng lại đến từ nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, hay là nguồn thu từ các khoản như bảo lãnh, thư tín dụng L/C trong thanh toán xuất nhập khẩu. Nhiều ngân hàng phát triển mạnh dịch vụ, tỷ lệ này đều ở mức khá như Techcombank là 17%, BIDV 16%, hay TPBank khoảng 17,6%.
"Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn này sẽ đóng góp một phần thu nhập về dịch vụ tốt cho ngân hàng. Ngân hàng nào có tỷ lệ về nghĩa vụ nợ tiềm ẩn so với tổng tài sản lớn thì được đánh giá tốt, vì ngân hàng đó hoạt động nhiều trên dịch vụ chứ không phải dựa chính vào cho vay. Ở các ngân hàng lớn trên thế giới, nợ ở quanh mức khoảng trên dưới 20%, ở các ngân hàng tốt của Việt Nam là trên 10%. Khi nào ngân hàng có nợ xấu tiềm ẩn cao thì mới là xấu, còn nghĩa vụ nợ tiềm ẩn cao thì lại là tốt", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết.
Những ngân hàng bán lẻ vẫn cho thấy lợi thế trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, như VPBank tạo đột phá trong bảng xếp hạng với mức tăng trưởng lợi nhuận 69% so với cùng kỳ, nhờ đó có nhiều dư địa hơn để tập trung vào quản trị rủi ro, duy trì tỷ lệ an toàn vốn tới 15%.
Thực tế cho thấy, một số ngân hàng đã trích lập dự phòng ở mức cao so với cùng kỳ, đến nay có thể ghi nhận mức lãi cao hơn bằng cách điều chỉnh giảm tỷ lệ trích lập dự phòng trước đó, như BIDV giảm 17%, MB giảm 26% hay ACB giảm tới 94%.
Ngân hàng giảm giá sâu nhiều khoản nợ xấu
Có thể nói tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng nhìn chung vẫn đảm bảo dưới mức 3%, thậm chí vẫn có nhiều ngân hàng đảm bảo dưới 1%. Tuy nhiên, xu hướng tăng của tỷ lệ nợ xấu vẫn tiếp diễn từ quý 1 sang quý 2 và giờ là quý 3.
Liên quan tới xử lý nợ xấu, nhằm đẩy nhanh quá trình này, nhiều ngân hàng cũng đang rốt ráo rao bán nhiều khoản nợ có tài sản đảm bảo. Thậm chí, do khó khăn chung của nền kinh tế sau đại dịch, nên họ chấp nhận bán lỗ, giảm giá sâu các khoản nợ này. Nhiều cán bộ ngân hàng chia sẻ phải tìm những khoản nợ đẹp nhất trong khối nợ xấu, tức là những khoản nợ có tài sản đảm bảo tốt để ưu tiên chào bán.
Một nhà máy được xây dựng trên diện tích hơn 42 ha để sản xuất trứng gà sạch theo công nghệ khép kín, từ chăn nuôi tới xử lý và đóng gói, tuy nhiên đã trở thành nợ xấu, sau gần 4 năm vẫn chưa tìm được nhà đầu mới.
Từng là hệ thống kiểm soát an toàn sinh học hiện đại, tự động thu gom, đóng gói trứng thành phẩm..., nhưng nhà máy đang phải dừng hoạt động do khó khăn chung từ dịch bệnh. Đầu tư hơn 800 tỷ đồng, hiện nhà máy được rao bán 200 tỷ, tương đương giảm 75% giá trị.
"Giảm giá 17 lần, hiện đang bán lần thứ 18. Để tìm đối tác mua rất khó vì nó là một ngành nghề đặc thù, sản xuất nông nghiệp. Thứ hai là Việt Nam mình chỉ có khoảng 4 - 5 nhà máy", ông Đinh Bá Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Tam Nông, Phú Thọ, cho biết.
"Sản xuất trứng gà này là một nghề đặc thù. Nhà máy này được đầu tư bài bản và áp dụng hệt thống công nghệ cao của Nhật nên việc tìm kiếm nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện hiện rất hạn chế. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư và tiếp tục bán đấu giá tài sản này", ông Hà Đức Tùng, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank chi nhánh Hà Nội, cho hay.
Hàng loạt các khoản nợ khác cũng trong tình cảnh tương tự được chào bán thấp hơn nhằm thu hồi nợ đọng. Riêng trên sàn giao dịch nợ của VAMC, đã có hơn 16 tổ chức tín dụng chào bán, với tổng giá trị nợ và tài sản đảm bảo khoảng 32.000 tỷ đồng.
"Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế vận hành, hoàn chỉnh website để giúp tổ chức tín dụng cập nhật, đăng bán các khoản nợ xấu như tài sản đảm bảo, cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng truy cập", Phó Tổng Giám đốc VAMC Đỗ Giang Nam thông tin.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8 đang ở 1,9%. Các ngân hàng vẫn đang nỗ lực thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng và tìm kiếm các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hồi sinh các khoản nợ xấu.
Đánh giá về triển vọng của các ngân hàng trong quý cuối cùng của năm, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt, cho biết những tháng cuối năm, tổng thể nhóm ngân hàng sẽ duy trì được sự tăng trưởng tương đối tích cực nếu so sánh với cùng kỳ, bởi cùng kỳ quý 3, quý 4 của năm 2021 bị ảnh hưởng khá nhiều bởi điều kiện COVID-19, với nền thấp như vậy, năm nay vẫn có sự tăng trưởng.
Hệ thống ngân hàng được kỳ vọng sẽ vượt qua những thách thức, sóng gió và có một năm 2022 tăng trưởng lợi nhuận tích cực. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Tính tổng thể của cả một năm 2022, nhóm ngân hàng vẫn là một nhóm duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trên 20%. Đó là một trong những triển vọng chúng ta có thể đánh giá được bất chấp những vấn đề như lãi suất huy động có sự tăng lên, nhưng trong quý 4 lãi suất đầu ra cũng đang bắt đầu có dấu hiệu nhích lên, nó sẽ làm giảm bớt ảnh hưởng của NIM nên lợi nhuận của các ngân hàng. Ngoài ra, những doanh nghiệp nào ít bị ảnh hưởng bởi trái phiếu và có tỷ lệ CASA lớn cũng sẽ có những lợi thế", ông Nguyễn Minh Hoàng nhận định.
Trong báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết sức khỏe hệ thống ngân hàng hiện tại cũng đã cải thiện nhiều, khi có gần 20 ngân hàng thương mại được công nhận đạt chuẩn Basel II. Một số Ngân hàng đã chủ động nâng cấp, triển khai Basel III với các tiêu chí khắt khe hơn, nhằm nâng cao khả năng quản lý rủi ro, tăng hiệu quả hoạt động. Với nền tảng vững vàng, hệ thống ngân hàng được kỳ vọng sẽ vượt qua những thách thức, sóng gió và có một năm 2022 tăng trưởng lợi nhuận tích cực, là tiền đề cho năm 2023 dự báo vẫn sẽ còn không ít khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!