Dòng vốn nước ngoài cũng đang đến với các dự án xanh của Việt Nam. Sau khi công bố 11 dự án được chọn trong "Chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu (CFA) Việt Nam giai đoạn 2" của Vương quốc Anh, hiện nay các dự án đã được hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, tài chính để kêu gọi đầu tư toàn cầu.
Thông qua kết nối này, các dự án của Việt Nam có khả năng tiếp cận nguồn đầu tư khoảng 436 triệu USD. Dự báo từ chương trình cho thấy, danh mục các dự án và nhà đầu tư cũng đa dạng hơn trước. Vì vậy, thị trường tài trợ vốn xanh của Việt Nam được dự báo sẽ sôi động hơn nữa.
Là 1 trong số 11 dự án được chọn, Selex Motors - một startup trong lĩnh vực xe máy điện, với phân khúc nhắm vào thị trường xe điện cho các shipper, doanh nghiệp tự tin có thể giúp các tài xế tăng 34% thu nhập thông qua tối ưu chi phí nhiên liệu. Vì vậy doanh nghiệp cũng được kết nối với hơn 20 nhà đầu tư từ quốc tế.
Ông Chuyên Ngô - Giám đốc Điều hành - Người sáng lập Apeh Việt Đan cho biết, với dự án sử dụng ít hơn 80% lượng nước, không dùng kháng sinh và bảo vệ đại dương bằng cách "tái chế" nước trong quá trình sản xuất, buổi gặp gỡ và thuyết trình với các nhà đầu tư lần này là cơ hội cho doanh nghiệp hiện thực hóa các kế hoạch đã vạch ra.
Hàng trăm triệu USD dòng vốn xanh có thể chảy vào các dự án carbon thấp ở Việt Nam. Ảnh minh họa.
Theo ghi nhận của chương trình CFA, mặc dù dòng vốn dành cho lĩnh vực tài chính khí hậu vẫn có trên thị trường, tuy nhiên, việc đảm bảo dòng vốn này chảy vào những dự án đang cần đến vốn nhất vẫn đang là một thách thức.
Ông Abhinav Coyal - Giám đốc PwC Việt Nam, Trưởng nhóm Chương trình CFA Việt Nam cho biết: "Chúng tôi có 3 khuyến nghị: Thứ nhất, bên cạnh các yếu tố kĩ thuật và tài chính, cần xây dựng câu chuyện thu hút có điểm chạm với nhà đầu tư; Thứ hai dự án phải đi song hành với hướng phát triển của quốc gia bởi các nhà đầu tư rất quan tâm đến khả năng mở rộng của các dự án này; Thứ ba là tác động của dự án liên quan đến môi trường, con người và việc làm".
Với Thỏa thuận Hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Việt Nam nhận được 15,5 tỷ USD cho gói tài chính khí hậu để chuyển đổi năng lượng. Nhiều ý kiến chỉ ra, khoản đầu tư này có thể mở khóa nhiều dự án tiềm năng và tạo ra hàng trăm ngàn việc làm mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!