Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 13 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định. Đây là văn bản cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải, của các quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.
Dự kiến, đến 2025 Việt Nam sẽ có thị trường carbon và sau năm 2027 sẽ vận hành chính thức. Đề án phát triển thị trường carbon do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng sẽ quy định đầy đủ tất cả các vấn đề cần thiết để có thể triển khai sớm nhất.
Theo đó, thị trường carbon là cơ chế để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Các tập đoàn, doanh nghiệp sẽ thông qua thị trường này để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính của họ bằng cách mua hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.
Theo dự thảo Đề án của Bộ Tài chính trình, sẽ có một sàn giao dịch tín chỉ carbon do Sở Giao dịch chứng khoán vận hành luôn thị trường này. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện các vai trò về điều tiết, quản lý và làm sao thúc đẩy cho thị trường phát triển. Khi đó các doanh nghiệp và tổ chức trong nước quốc tế cùng tham gia.
Dự kiến, đến 2025 Việt Nam sẽ có thị trường carbon và sau năm 2027 sẽ vận hành chính thức.
Đề án phát triển thị trường carbon cũng đã nhận được sự tư vấn từ nhiều tổ chức quốc tế về phương pháp định giá carbon. Mới đây, phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn với ông Patrick Criqui - Cố vấn của France Stratégie - Cơ quan tư vấn chính sách độc lập cho Thủ tướng Pháp về báo cáo của nhóm chuyên gia dành cho Việt Nam.
Thưa ông, ông có thể chia sẻ một vài gợi ý chính sách dành cho Việt Nam từ nghiên cứu của nhóm chuyên gia Pháp?
Ông Patrick Criqui: Để hiện thực hoá mục tiêu Net Zero 2050, có 2 công cụ Việt Nam có thể cân nhắc là hệ thống giao dịch khí thải và thuế carbon. Với hệ thống giao dịch khí thải, điểm tiên quyết mang tính chiến lược là cần xây dựng được hệ thống đăng ký khí thải quốc gia và cần xây dựng sớm nhất có thể.
Còn với thuế carbon, do đặc thù tác động trực tiếp tới chi tiêu tiền điện và xăng dầu của người dân và doanh nghiệp, nên cần có sự cân nhắc và đánh giá lại khung chính sách tài khoá đối với lĩnh vực năng lượng.
Vậy theo ông, cần lưu ý gì về cách định giá carbon?
Ông Patrick Criqui: Với thuế carbon, Chính phủ sẽ cần phân tích định lượng từ mục tiêu Net Zero 2050 để tính toán ra được một mức giá carbon cơ sở toàn quốc, rồi từ đó tính ra được các mức thuế phù hợp. Còn với hệ thống giao dịch khí thải, vấn đề lại hoàn toàn khác. Chính phủ không cần định giá, mà giá sẽ được thị trường tự xác định, dựa trên số lượng hạn ngạch phát thải được Chính phủ đặt ra trước đó. Điểm quan trọng trước tiên là cần xác định được một lộ trình giảm phát thải tới 2050 riêng cho từng lĩnh vực trong nền kinh tế.
Thị trường giao dịch khí thải bắt buộc, và cả tự nguyện, tại Việt Nam đều đang cố gắng định giá carbon. Ông đánh giá sao về những nỗ lực này?
Ông Patrick Criqui: Thị trường tự nguyện cũng có ích, giúp doanh nghiệp tự đánh giá và nhìn nhận lại các tiêu chí và chuẩn mực. Đó là điểm khởi đầu, nhưng tôi cho rằng không nên coi đó là một phần chính yếu có tác động tới hệ thống giao dịch khí thải của Việt Nam. Quan trọng hơn, dù đúng là định giá carbon là giải pháp mang tính quyết định tới Net Zero 2050, nhưng đó thực sự không nên được coi là một giải pháp thần kỳ.
Định giá carbon cần được kết hợp cùng những chuẩn mực và tiêu chuẩn xanh dành riêng cho từng lĩnh vực của nền kinh tế. Cần đi kèm với việc tài trợ cho những đổi mới sáng tạo về tăng trưởng xanh. Cuối cùng, cần đi kèm với việc nâng cao nhận thức toàn dân, để tất cả những bước chuyển đổi xanh nhận được sự chấp thuận và đồng hành của số đông.
Xin cảm ơn ông!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!