Khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão, nhanh chóng ổn định tình hình đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là 4 nhiệm vụ lớn, cần phải được triển khai ngay được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đưa ra tại Hội nghị với các bộ, ngành, địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đây cũng là hội nghị thứ hai của Thường trực Chính phủ sau cơn bão lịch sử này.
Cơn bão số 3 không chỉ gây ra những thiệt hại về người, mà còn cả tài sản. Ước tính sơ bộ chưa đầy đủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số tiền thiệt hại lên đến khoảng 40.000 tỷ đồng. Các ngành, lĩnh vực, địa phương đang cấp tập triển khai các giải pháp để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão lũ.
Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của mưa bão. Ước tính sơ bộ tổng thiệt hại lên đến 23.700 tỷ đồng. Sau bão, 99% địa bàn tỉnh bị mất điện, hạ tầng viễn thông hư hỏng nặng nề. Bão đi qua, tỉnh bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả.
Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Đến nay, chúng tôi đã có 70% các phụ tải đã có điện và gần 100% hạ tầng viễn thông được khôi phục lại. Chúng tôi đã có 100% cơ sở về than đi vào hoạt động trở lại. Tất cả các khu công nghiệp, nhà máy cũng hoạt động trở lại".
Với ngành ngân hàng, theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ước tính có khoảng 80.000 tỷ đồng dư nợ tại các tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng bởi con bão số 3. Rất nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, đến thương mại, dịch vụ đều chịu ảnh hưởng. NHNN đang triển khai các giải pháp như cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định: "NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng và các tổ chức tín dụng cũng đã tăng quy mô gói tín dụng cho thuỷ sản, chế biến gỗ, từ trước đây là 15.000 tỷ lên 30.000 tỷ. Bây giờ, cho đến ngày hôm nay là 60.000 tỷ đồng. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống thực hiện các giải pháp trọng tâm như tổ chức chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả các giải pháp mở dụng tín dụng".
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, do ảnh hưởng của mưa bão, tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%. Ước tính cả năm GDP có thể giảm 0,15%. Để lấy lại đà tăng trưởng, cơ quan này kiến nghị các chính sách hỗ trợ phải nhanh, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; đơn giản hoá thủ tục để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và đánh giá.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: "Nghiên cứu gói chính sách hỗ trợ với lãi suất 0% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bão lũ. Các công ty bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng".
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị một số chính sách hỗ trợ có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, yếu tố mùa vụ trong sản xuất.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tích cực, chủ động, tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp nhanh chóng, đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả, dựa trên 6 nhóm mục tiêu lớn, để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: "Không để ai bị đói, bị rét, bị thiếu nước sạch, không có chỗ ở. Khẩn trương khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả. Nhanh chóng ổn định tình hình cho nhân dân về tinh thần và vật chất. Khôi phục hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng cả năm khoảng 7%. Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội cho nhân dân".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!