Khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

TTXVN-Thứ sáu, ngày 19/06/2020 14:58 GMT+7

VTV.vn - Ngày 19/6, Lễ khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.

Lễ khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức.

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Tuấn Anh (Bộ trưởng Bộ Công Thương) cho biết, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là dấu mốc nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, trong nước với nước ngoài. Điều này giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác; đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.

"Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các hoạt động giao thương trực tiếp gặp nhiều khó khăn, hệ thống này sẽ càng phát huy vai trò của mình. Từ đó, giúp doanh nghiệp kết nối và nắm bắt cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay mới đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)", Bộ trưởng cho hay.

Khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại sự kiện.

Trong thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực chủ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, liên kết đầu - cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ, doanh nghiệp còn loay hoay với câu chuyện kết nối cung - cầu.

Nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển và công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng chính sách về công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng công tác thống kê, bảo đảm thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác.

Sau quá trình triển khai khảo sát thu thập thông tin doanh nghiệp, đến nay, Cục Công nghiệp đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp. Cụ thể là 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, 347 doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, 750 doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, 1.145 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và 910 doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày.

Là đơn vị phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu này, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC cho rằng, hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ra mắt vào một thời điểm đáng nhớ, khi dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ đến các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh này, sự ổn định nguồn cung và năng lực của các nhà cung cấp địa phương trở nên hết sức quan trọng.

"Việc tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các công ty đa quốc gia thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu này, cùng với môi trường kinh doanh ổn định và ít rủi ro của Việt Nam - được minh chứng bởi thành công trong kiểm soát dịch COVID-19 nhanh chóng, hứa hẹn giúp khẳng định Việt Nam là một trung tâm chế biến chế tạo chủ chốt trong khu vực", ông Kyle Kelhofer nhận định.

Chia sẻ tại lễ khai trương, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Thaco Trường Hải cho hay, trong quá trình sản xuất ô tô của Trường Hải, đơn vị này gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp. Hệ thống cơ sở dữ liệu này này đóng góp lớn cho doanh nghiệp thuận lợi tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp nguyên vật liệu và cả đầu ra cho sản phẩm, với thông tin minh bạch, rõ ràng.

"Hy vọng, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) sẽ kết nối thêm nhiều doanh nghiệp, cập nhật liên tục thông tin, bản thân Thaco cũng sẽ chia sẻ thông tin của chính doanh nghiệp mình vào trong đó".

Công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế; là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Với mức tăng trưởng được duy trì khoảng 10,6%/năm, khu vực chế biến, chế tạo đang được xem là "điểm sáng" của ngành công nghiệp Việt Nam nói chung trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu do dịch COVID-19 gây ra.

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đang là lĩnh vực chủ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng trong năm 2019, cả nước thu hút được 3.478 dự án mới, với tổng vốn đạt gần 31,8 tỷ USD thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với tổng vốn đạt 21,6 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, tài chính để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu; mở rộng thông tin dữ liệu của nhiều ngành hàng và tiếp tục phát triển các tính năng mới cho phép doanh nghiệp tự tạo gian hàng giới thiệu sản phẩm; từ đó, tiến đến thiết lập một sàn thương mại điện tử về công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp chủ động tiếp cận, thúc đẩy hợp tác, góp phần đưa ngành công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Bộ Tài chính phản hồi về chính sách thuế đối với công nghiệp hỗ trợ Bộ Tài chính phản hồi về chính sách thuế đối với công nghiệp hỗ trợ

VTV.vn - Bộ Tài chính đề nghị chỉ nêu nguyên tắc chung là nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các Luật thuế, nhằm khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước