Thị trường gỗ xây dựng châu Âu sôi động từ mùa hè năm 2020, cùng với các loại vật liệu xây dựng khác. Nhật báo Tây Pháp ra đầu tuần trước ngay trên trang nhất khẳng định: Giá gỗ tăng cao đang là nguyên nhân chính làm khó ngành xây dựng.
Bài trang trong nhấn mạnh nghịch lý nước Pháp có diện tích rừng lớn thứ tư châu Âu nhưng vẫn thiếu gỗ xây dựng. Quy luật cung cầu, khan hiếm giá sẽ phải tăng. 1m3 gỗ xẻ tại Pháp đã từ 200 Euro tăng lên tới 280 Euro. Đây là giá mua ngay tại xưởng cưa ở vùng rừng núi Đông Bắc nước Pháp.
Còn xa hẳn khỏi vùng nguyên liệu, phía Tây nước Pháp vẫn luôn phụ thuộc vào gỗ nhập khẩu 1m3 gỗ xẻ lên tới 500 Euro (14 triệu đồng). Bài báo viết: "Vấn đề còn tồi tệ hơn đối với ván ép công nghiệp. Giá các sản phẩm này đã tăng từ 400 Euro lên tới hơn 1.000 Euro 1m3".
Ông Chủ tịch Liên đoàn các Doanh nghiệp kinh doanh Vật liệu xây dựng nói với phóng viên tờ báo rằng, 40 năm trong nghề, chưa khi nào thấy thị trường gỗ bị mất kiểm soát đến như vậy.
Khan hiếm gỗ xây dựng tại châu Âu. (Ảnh minh họa: New York Times)
Lĩnh vực xây dựng đang trải qua một thời khắc chưa từng thấy ở châu Âu. Tờ Faro de Vigo của Tây Ban Nha tuần trước viết rằng: "Chi phí nguyên vật liệu tăng, đẩy chi phí xây dựng lên 15%".
Theo bài báo, một tỷ lệ lớn gỗ từ Trung Âu và Bắc Âu, từ Pháp, Chile và Brazil, đang được giữ lại để tiêu thụ tại chỗ, hoặc hướng sang các thị trường khác mang lại nhiều lợi nhuận hơn như Mỹ hay Trung quốc hoặc Đức.
Bài báo cho biết, trên thị trường gỗ, Trung Quốc một mặt sử dụng hết toàn bộ lượng gỗ sản xuất tại Trung Quốc, đồng thời vẫn gia tăng nhập khẩu ở mức nhiều nhất có thể gỗ từ các nước khác.
Đại dịch đã làm cho lĩnh vực xây dựng tăng trưởng nóng trên toàn thế giới. Tờ Die Presse ra tại Áo viết: "Nhu cầu gỗ xây dựng đang ở mức cao chưa từng thấy".
Theo tờ báo Áo, gỗ thanh ghép chéo nhiều lớp hiện đang bùng nổ và nhu cầu sẽ tăng gấp đôi trên toàn thế giới trong hai năm tới.
Một trong những lý do nữa thúc đẩy thị trường gỗ, theo bài báo là ý thức tiêu dùng đang thay đổi. Giờ đây, rất nhiều người hiểu rằng không thể tiếp tục sản xuất các vật liệu xây dựng tiêu tốn nhiều năng lượng, dẫn đến lượng khí thải CO2 khổng lồ. Dùng gỗ sẽ thân thiện với môi trường hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!