Khi nào cuộc khủng hoảng giá dầu kết thúc?

TTXVN-Thứ bảy, ngày 23/05/2020 11:15 GMT+7

Hình minh họa.

VTV.vn - Nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 2020 vẫn chưa thực sự kết thúc.

Trong tháng 4/2020, giá dầu thô đã lần đầu tiên giảm xuống vùng âm, do đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nhu cầu thị trường, tình trạng dư thừa nguồn cung và "cuộc chiến giá dầu" giữa Nga và Saudi Arabia. 

Ngày 20/4, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là -40,32 USD/thùng. Một trong những nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh là hợp đồng giao hàng tháng Năm đáo hạn vào ngày 21/4, các nhà đầu tư phải "bán tống bán tháo", càng tạo áp lực lên giá "vàng đen". Trong khi đó, có rất ít khách hàng mua dầu WTI giao tháng 5/2020 vì không ai muốn nhận dầu vào lúc này. Giá dầu thô Biển Bắc Brent ngày 22/4 cũng giảm xuống 15,98 USD, trong khi chỉ một tháng trước đó, giá của hai loại dầu này đều ở mức 35 USD/thùng.

Để bảo vệ giá dầu và tái cân bằng thị trường, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số quốc gia sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, hồi tháng 4/2020 đã nhất trí sẽ giảm sản lượng khai thác dầu thô 9,7 triệu thùng/ngày trong hai tháng 5-6/2020. Mỹ, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, cũng đã hạn chế khai thác dầu đá phiến với chi phí đắt đỏ, nhưng không mang lại lợi nhuận do giá lao dốc.

Nhà phân tích Eugen Weinberg của ngân hàng Commerzbank cho biết, giá dầu hiện đã phục hồi đáng kể từ mức thấp kỷ lục trong tháng 4/2020, khi nguồn cung giảm bớt, các quốc gia bắt đầu nới lỏng hạn chế, vốn là lý do khiến nhiều lĩnh vực tiêu thụ lượng lớn dầu như giao thông vận tải và sản xuất bị đình trệ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo thị trường dầu vẫn dễ bị tổn thương trước nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát lần thứ hai, dẫn đến các biện pháp phong tỏa mới. Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm ở mức kỷ lục trong năm 2020, đồng thời cảnh báo viễn cảnh tồi tệ nhất vẫn chưa chấm dứt.

Theo nhà phân tích Weinberg, nhu cầu dầu mỏ đã chạm đáy, trong khi nguồn cung từ OPEC+ và Bắc Mỹ đang giảm mạnh, nên thị trường dầu mỏ không còn dư cung như lo ngại. Chuyên gia này cho rằng nhu cầu gia tăng và việc cắt giảm phần lớn sản lượng nhiều khả năng sẽ dẫn đến thâm hụt nguồn cung trong nửa sau của năm 2020.

Trong phiên giao dịch chiều 22/5, giá dầu châu Á đã giảm, giữa lúc những căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và việc Trung Quốc không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay đang làm dấy lên mối lo ngại rằng tác động của đại dịch COVID-19 sẽ "phủ bóng đen" lên nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Tại thị trường Tokyo, giá dầu Brent giảm 1,43 USD (4%), xuống 34,63 USD/thùng vào lúc 13 giờ 30 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) để mất 1,81 USD (5,3%), xuống còn 32,11 USD/thùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước