Tuy nhiên, tình hình sẽ khó sớm khởi sắc và nhiều nhà đầu tư đang chuẩn bị cho những cơn đau còn lớn hơn ở phía trước.
Các ngân hàng Phố Wall đang điều chỉnh dự báo của họ để tính đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không có dấu hiệu nào cho thấy việc từ bỏ chính sách tăng lãi suất. Thậm chí sau cuộc họp gần nhất kết thúc ngày 21/9, Chủ tịch FED Jerome Powell còn phát tín hiệu sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để chống lạm phát sau khi ngân hàng trung ương này đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp trong năm nay.
Tính từ đầu năm tới hiện tại, chỉ số tổng hợp S&P 500 đã giảm hơn 22%. Vào thứ Sáu (23/9), chỉ số trên đã nhanh chóng giảm xuống dưới mức đóng cửa thấp nhất ghi nhận hồi giữa tháng Sáu là 3.666 điểm, xóa đi sự phục hồi mạnh mẽ trong mùa Hè trước khi giảm bớt mức lỗ và phục hồi về trên mức đó vào lúc đóng cửa.
Ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư tại công ty nghiên cứu thị trường CFRA Research, cho biết với việc FED có ý định tăng lãi suất cao hơn dự kiến, thị trường hiện đang trải qua một "cuộc khủng hoảng niềm tin".
Chuyên gia Stovall nói rằng nếu S&P 500 đóng cửa dưới mức thấp nhất ghi nhận hồi giữa tháng Sáu trong những phiên tới, diễn biến đó có thể thúc đẩy một làn sóng bán tháo mạnh mẽ khác. Điều này có thể đưa chỉ số này xuống mức thấp nhất là 3.200 điểm, một mức sụt giảm trung bình thường xảy ra trong thời điểm thị trường rơi vào thế đi xuống trùng với các cuộc suy thoái.
Trong khi các số liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối mạnh, giới đầu tư vẫn lo ngại việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái.
Ông Michael Hartnett, chiến lược gia đầu tư chính tại tổ chức nghiên cứu tài chính BofA Global Research, tin rằng lạm phát cao có thể sẽ đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên tới 5% trong vòng năm tháng tới, làm trầm trọng thêm tình trạng bán tháo cổ phiếu và trái phiếu.
Sự thay đổi trên thị trường trái phiếu đã tạo thêm áp lực lên cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, vốn dịch chuyển ngược chiều với giá cả, gần đây đang đứng ở khoảng 3,69%. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2010 tới nay.
Lợi suất trái phiếu chính phủ cao có thể làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu công nghệ đặc biệt nhạy cảm với lợi suất tăng vì giá trị của chúng phụ thuộc nhiều vào thu nhập trong tương lai, vốn sẽ giảm sâu hơn khi lợi suất trái phiếu đi lên.
Ông Kevin Gordon, Giám đốc nghiên cứu đầu tư cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab, tin rằng phía trước còn nhiều "sóng gió" hơn vì các ngân hàng trung ương đang thắt chặt chính sách tiền tệ, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đã có vẻ đang suy yếu.
Tuy nhiên, một số người ở Phố Wall nói rằng mức sụt giảm của thị trường có thể đã bị "thổi" quá mức.
Ông Keith Lerner, đồng giám đốc đầu tư của công ty tư vấn đầu tư Truist Advisory Services cho rằng hoạt động bán ra đang trở nên bừa bãi. Nỗi lo về khả năng S&P 500 thủng mức đáy của tháng Sáu có thể là điều thúc đẩy nỗi sợ hãi sâu trên thị trường. Và những nỗi sợ như vậy thường dẫn đến những lần chạm đáy ngắn hạn.
Các nhà đầu tư đang tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy mức đáy đã gần kề. Chỉ số biến động CBOE - còn được gọi là "thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall" - vào hôm 23/9 đã tăng vọt lên trên 30, mức cao nhất kể từ cuối tháng Sáu. Nhưng con số này vẫn dưới mức trung bình 37 thường đánh dấu tính trạng bán ra tăng cao trong các đợt suy giảm thị trường kể từ năm 1990 tới nay.
Ông Jake Jolly, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại ngân hàng BNY Mellon, cho biết một tín hiệu quan trọng cần theo dõi trong những tuần tới là các ước tính về thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh như thế nào. S&P 500 hiện đang giao dịch ở mức tương đương khoảng 17 lần thu nhập dự kiến, cao hơn mức trung bình lịch sử. Điều này cho thấy thị trường vẫn chưa ảnh hưởng mấy từ các đặt cược vào một cuộc suy thoái.
Theo chuyên gia này, một cuộc suy thoái có thể sẽ đẩy chỉ số S&P 500 giao dịch trong khoảng từ 3.000 điểm đến 3.500 điểm vào năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!