Khó khăn “bủa vây”, châu Âu thu hẹp hoạt động sản xuất

VTV Digital-Thứ hai, ngày 05/06/2023 14:02 GMT+7

VTV.vn - Kinh tế châu Âu, các ngành sản xuất công nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức, từ lạm phát, thắt chặt tiền tệ đến nhu cầu bên ngoài yếu và sự bất ổn chung.

Hoạt động sản xuất tại Eurozone suy yếu

Một cuộc khảo sát kinh doanh trong tháng 5 do tổ chức S&P Global thực hiện cho thấy, nhu cầu toàn cầu sụt giảm đã làm suy yếu hoạt động sản xuất trên khắp châu Âu và Mỹ, đồng thời tạo ra thách thức lớn đối với nhiều nhà xuất khẩu của châu Á.

Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020 đã nằm dưới điểm hòa vốn, mặc dù các nhà máy đang liên tục giảm giá.

Cụ thể, chỉ số PMI theo dõi hoạt động sản xuất của Eurozone đã giảm từ mức 45,8 điểm của tháng 4 xuống còn 44,8 điểm trong tháng 5 vừa qua. Đây cũng là tháng thứ 11 liên tiếp chỉ số PMI hàng tháng của Eurozone nằm dưới ngưỡng 50 - điểm cân bằng giữa tăng trưởng và thu hẹp.

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thương mại Hamburg nhận định, từ đầu năm 2023, nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất đang ngày càng suy giảm, dẫn đến chỉ số PMI giảm theo.

Trong vài tháng tới, do tình trạng thiếu hụt đơn đặt hàng mới từ trong và ngoài nước, sản lượng đầu ra của các nhà máy sẽ tiếp tục "đi xuống". Chuyên gia này cũng lưu ý sự suy giảm đang diễn ra trên diện rộng, trải dài ở cả 4 nền kinh tế lớn nhất của Eurozone là Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha.

Doanh nghiệp châu Âu thu hẹp hoạt động sản xuất

Những rủi ro về triển vọng kinh tế, sự thiếu hụt và tăng giá của hàng loạt nguồn cung đầu vào sản xuất khiến các doanh nghiệp châu Âu không những chẳng thể mở rộng sản xuất, mà còn đang phải thu hẹp quy mô hoạt động.

Chi phí năng lượng cao, lãi suất tăng và những căng thẳng khó lường từ chiến sự ở Ukraine đã khiến thu nhập trước thuế của BASF, Tập đoàn hóa chất hàng đầu của Đức, dự kiến giảm 5,2 tỷ Euro trong năm nay. Năm 2022, thu nhập của BASF đã giảm 11,5% so với năm 2021, tương đương giảm trên 5 tỷ Euro. Kinh doanh thua lỗ khiến BASF trong tháng 2 vừa qua phải tuyên bố cắt giảm 2.600 việc làm.

"Khu vực này cũng đang phải chịu đựng các thủ tục phê duyệt ngày càng chậm chạp và quan liêu, và trên hết là do chi phí cao đối với hầu hết các yếu tố sản xuất", ông Martin Brudermueller, Giám đốc Điều hành BASF, cho biết.

Không chỉ BASF, hãng sản xuất ô tô Ford của Mỹ cũng cắt giảm 3.800 việc làm ở châu Âu. Công ty thiết bị y tế Philips PHG của Hà Lan cắt giảm 6.000 việc làm.

Khó khăn “bủa vây”, châu Âu thu hẹp hoạt động sản xuất - Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất ô tô của Volkswagen tại Wolfsburg, Đức. (Ảnh: Bloomberg)

Trang tin Politico tại Bỉ cho biết, với người dân châu Âu, thương hiệu Made in Europe chưa bao giờ bị nghị ngờ nhiều hơn thế. Đây có phải là thời điểm cho sự kết thúc của Made in Europe? Và những khó khăn không chỉ xảy ra với hoạt động sản xuất công nghiệp.

"Hoạt động đầu tư sẽ vẫn trầm lắng ở châu Âu cho đến nửa cuối năm, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi dần. Khối lượng đầu tư bất động sản ở châu Âu vào năm 2023 sẽ nằm trong khoảng từ 330 tỷ - 340 tỷ Euro, giảm 17 - 20% so với cùng kỳ năm 2022", bà Lydia Brissy, Giám đốc Nghiên cứu thị trường châu Âu, Công ty Dịch vụ bất động sản Savills, cho hay.

Khảo sát mới nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu thực hiện cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, nhu cầu vay vốn cho đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp ở khu vực Eurozone trong quý I giảm 38%, trong khi các ngân hàng lại siết tín dụng đến 27%. Nhu cầu vay tiêu dùng cũng giảm đến 19%, còn vay mua nhà giảm 72%.

Triển vọng kinh tế của châu Âu theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là còn nhiều khó khăn.

"Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu, không chỉ với các nền kinh tế tiên tiến mà với cả các nền kinh tế đang phát triển. Những thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế tiên tiến, nhưng triển vọng tăng trưởng trong 5 năm tới không được như 10 năm trước", ông Pierre Olivier Gourinchas, Kinh tế Trưởng của IMF, đánh giá.

Kinh tế châu Âu và các ngành sản xuất công nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức, từ lạm phát, thắt chặt tiền tệ đến nhu cầu bên ngoài yếu và sự bất ổn chung. Ngân hàng Trung ương châu Âu dự báo, nhu cầu vay vốn để đầu tư của doanh nghiệp châu Âu trong quý II năm nay còn tiếp tục giảm dù mức giảm thấp hơn quý I.

Lãi suất cơ bản tại Eurozone dự báo vẫn sẽ tăng

Có thể thấy việc nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp châu Âu trong quý II sẽ còn giảm. Như vậy là hoạt động sản xuất sẽ còn rất khó khăn. Tuy nhiên liệu điều này có khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu xem xét lại chính sách về lãi suất hiện nay không khi lạm phát tại lục địa già đang giảm theo lộ trình.

Dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất cơ bản kể cả khi lạm phát đã hạ nhiệt. Hiện các chuyên gia tiếp tục nghiêng nhiều về khả năng ECB sẽ vẫn phải thực hiện thêm 2 đợt tăng lãi suất trong tháng 6 và tháng 7, với mức tăng mỗi lần thêm 0,25 điểm phần trăm. Báo chí kinh tế châu Âu ra cuối tuần vừa qua đã có nhiều bài phân tích về chủ đề lãi suất và lạm phát.

Lạm phát đã bất ngờ giảm mạnh trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung Euro.

Tờ Mặt trời 24h ra tại Italy hôm thứ Sáu (2/6) chạy tít ngay trên trang nhất: "Lạm phát giảm từ 7% xuống 6,1%, nhờ giá năng lượng và giá thực phẩm đều giảm". Điện năng tại một số nước châu Âu dồi dào tới mức, bên sản xuất điện có lúc phải trả thêm tiền cho bên mua điện để khuyến khích sử dụng lượng điện dư thừa. Giá khí đốt bán buôn đã xuống tới mức rất thấp 24 Euro, tương đương mức giá trung bình của ba năm từ 2018 - 2021; còn giá xăng dầu bán lẻ cũng đã bình ổn trở lại.

Chính sách tăng lãi suất kiềm chế lạm phát Ngân hàng Trung ương châu Âu theo đuổi suốt từ giữa năm ngoái đã có tác dụng. Tờ Kurier ra tại Áo trích đăng nhận định của Tổng cục Thống kê nước này rằng lạm phát đã mất đi rất nhiều động lực.

Bài báo viết: "Người tiêu dùng đã được hưởng giá nhiên liệu và giá dầu sưởi ấm thấp hơn, dự kiến giá điện năng và giá khí đốt bán lẻ tới hộ gia đình cũng sẽ tiếp tục giảm từ nay cho tới cuối năm".

Lạm phát giảm mạnh, nhưng vẫn có những yếu tố có thể kéo giá cả đi lên, yếu tố quan trọng nhất lúc này là tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu quá thấp. 6,5% là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ khi có đồng tiền chung Euro.

Tờ Borsen của Đan Mạch phân tích: "Khan hiếm nhân công buộc doanh nghiệp phải tăng lương thì mới tuyển dụng được người mới và giữ chân người đang có, lương tăng sẽ giúp khôi phục sức mua của người tiêu dùng, có thể kéo theo những đợt tăng giá mới. Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp thấp cho thấy rằng tăng lãi suất vẫn chưa tác động xấu tới sản xuất kinh doanh, nên tờ báo Đan Mạch kết luận: "Chừng nào nền kinh tế còn đứng vững, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất và hút bớt tiền ra".

Đó cũng là nhận định của tờ Cinco Días ra tại Tây Ban Nha cách đây 2 ngày, trong bài báo "Ngân hàng Trung ương châu Âu kiên quyết tăng lãi suất bất chấp lạm phát giảm". Vì lạm phát trong Eurozone giảm, vẫn là 6,1%, hoặc nếu không tính tới giá thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, lạm phát cơ bản 5,3% vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.

Tờ báo Tây Ban Nha viết: "Biên bản cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố hôm thứ Năm (1/6) tuần trước cho thấy ý định của hội đồng thống đốc là tiếp tục tăng lãi suất, mặc dù với tốc độ nhẹ nhàng hơn. Thị trường tài chính trông đợi mức tăng 25 điểm cơ bản vào giữa tháng này và ít nhất một lần tăng nữa, cũng ở mức đó, vào tháng sau".

Rõ ràng, khi lãi suất còn tăng, doanh nghiệp khó có thể tiếp cận dòng vốn với giá hợp lý để tái đầu tư và mở rộng sản xuất. Đáng chú ý, niềm tin của các nhà đầu tư trong khu vực Eurozone đã bất ngờ giảm trong tháng 5 vừa qua, một dấu hiệu cho thấy đà phục hồi kinh tế của khu vực vốn đã yếu, nhiều khả năng sẽ chững lại.

Nghiên cứu mới nhất của Deutsche Bank dự báo, châu Âu sắp xảy ra làn sóng vỡ nợ, một phần do chu kỳ thắt chặt tiền tệ nhanh nhất trong 15 năm qua. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã chính thức rơi vài suy thoái kỹ thuật sau quý I vừa qua. Trong đó, lĩnh vực sản xuất - chiếm gần 1/5 nền kinh tế Đức, đang gặp khó khăn hơn cả khi sản lượng công nghiệp và đơn đặt hàng đều sụt giảm mạnh hơn dự kiến. Giới phân tích nhận định đây là hậu quả của xu hướng tăng lãi suất toàn cầu, vốn đang kìm hãm nền kinh tế.

Người châu Âu “thắt lưng buộc bụng” khi giá cả tăng cao Người châu Âu “thắt lưng buộc bụng” khi giá cả tăng cao

VTV.vn - Giá lương thực, thực phẩm tại nhiều nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện vẫn ở mức cao, gây sức ép lớn lên người tiêu dùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước