Không dám nghĩ đến lợi nhuận
Con cá tra, chỉ quá lứa vài ngày là vượt size tiêu chuẩn, không xuất bán được nữa. Nhưng giờ đưa cá lên ao cũng chẳng biết bán cho ai vì chỉ khoảng 1/3 số nhà máy chế biến thuỷ sản phía Nam còn đang hoạt động.
Cá nằm ao, giá rớt 900-1400đ/kg, Tiền thức ăn, tiền vật tư tăng 3-4 đợt, ngành thuỷ sản ví mình như đang “mắc cạn”.
“Công ty phải đưa ra rất nhiều giải pháp về chi phí. Chí phí về đồng vốn, vận chuyển, nguyên vật liệu, điện/ nước… tất cả đều phải tiết giảm tối đa. Bây giờ chúng tôi không còn nghĩ tới lợi nhuận nữa mà chỉ tính toán xem lỗ là bao nhiêu”, ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Công ty Gò Đàng (GODACO), Tiền Giang cho biết.
Ngành thuỷ sản ví mình như đang “mắc cạn” dưới tác động của COVID-19 (Ảnh minh hoạ)
Với ngành gỗ và chế biến gỗ, đáng lẽ thời điểm này, nhiều lô hàng đã phải gia công xong, sẵn sàng lên tàu sang Mỹ và châu Âu, nhưng mấy tuần nay, doanh nghiệp chỉ biết nói khó với đối tác, xin khất thời gian giao hàng. Nhiều công nhân đã rời nhà máy về quê. Nguồn nguyên liệu chuyển từ miền Bắc, miền Trung bị đứt gãy. Hơn 600 doanh nghiệp gỗ tại TP Hồ Chí Minh, giờ cũng chỉ còn khoảng 1/3 hoạt động túc tắc.
Theo tính toán của Bộ Công thương, trung bình mỗi ngày 19 tỉnh, thành phố phía Nam xuất khẩu thu về khoảng 9000 tỷ đồng. Phần lớn những ngành hàng xuất khẩu tỷ đô đều có sản lượng rất lớn từ đây. Nếu 1 doanh nghiệp điện tử cứ dừng sản xuất 1 tuần, thì trung bình mất 2-3 tuần mới lấy lại công suất ban đầu.
Chi phí logistics tăng phi mã
Ngoài duy trì sản xuất, để hàng hoá cập bến nhanh chóng, an toàn tại thị trường xuất khẩu thì cũng còn rất nhiều gian nan. Giá vận tải đường biển, đường hàng không tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu. Cước vận chuyển đi Mỹ và EU hiện tại tăng liên tục dao động 2 tuần 1 lần và mức tăng không báo trước, có những lúc lại tăng đột biến
Đơn cử, giá thành 1kg nhãn đầu mùa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU vào khoảng 70.000 đồng. Tuy nhiên chi phí logistics và vận chuyển đã lên tới 200.000 đồng/kg, nghĩa là chỉ riêng tiền trả cho logistics đã gấp tới 2,5 lần giá thành sản phẩm khiến hàng Việt rất khó cạnh tranh ở thị trường nước ngoài.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, cước vận chuyển container tới các cảng của Mỹ đã tăng từ 1.800USD mỗi cont lên 9.600 USD một cont. Riêng cảng New York, cước lên tới 18.000 USD một cont, cao gấp 7- 8 lần so với trước đại dịch COVID-19.
Điều tra của Tổng cục Thống kê trong bối cảnh dịch COVID-19 cho thấy, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, thì phải chịu tác động từ dịch COVID-19 càng cao. Nhóm doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp cả nước, nhưng lại là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động nhiều nhất với trên 92%; tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp vừa là hơn 91%, nhóm doanh nghiệp nhỏ là gần 90%; và nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ là hơn 62%.
Trong 7 tháng đầu năm, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp đóng cửa (Ảnh minh hoạ)
Khó khăn từ một đại dịch lớn nhất trong lịch sử nhân loại đã không chỉ tàn phát sức khỏe của con người, làm mất đi nhiều sinh mạng, mà còn làm cho các doanh nghiêp từ nhỏ đến đến lớn thiệt hại chưa thể tính hết. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn hoặc ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.
Chương trình Tiêu điểm kinh tế: Phục hồi sản xuất và kinh tế
Tính riêng TP Hồ Chí Minh, trong 7 tháng đầu năm 2021 có 23.199 DN rút lui khỏi thị trường (chiếm 29,1% số DN rút lui của cả nước), tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020. Sự gia tăng về DN rút lui chủ yếu đến từ sự gia tăng số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (12.071 DN, tăng 25,7%).
Khó khăn là rất lớn, doanh nghiệp cần làm gì để vượt bão COVID? Những giải pháp hỗ trợ nào từ Nhà nước để tiếp sức cho doanh nghiệp? Những câu hỏi phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Tiêu điểm kinh tế ngày 28/8.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!