Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam có nhu cầu vay gần 10 tỷ đồng để triển khai các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải vay ở mức lãi suất hơn 7,5%/năm, cao hơn đáng kể so với mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,5%/năm.
"Thứ nhất là do thiếu thông tin. Thứ hai là để được hưởng cũng phải có những điều kiện và có những chương trình dự án đầu tư", bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho hay.
Trong khi đó, theo doanh nghiệp, tài sản của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản thường khó định giá, hoặc dễ bị định giá ở mức thấp hơn thực tế. Vì vậy, giá trị khoản vay cũng sẽ thấp hơn giá trị thực tế của tài sản.
Ông Trần Hoàng Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH New Greenway Việt Nam nói: "Đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay, các tài sản trên đất như hệ thống trang trại, cánh đồng… ở hầu hết ngân hàng rất khó để định giá. Ví dụ như tài sản máy móc như kho lạnh, trong hệ thống sản xuất hầu như không được ghi nhận làm tài sản thế chấp. Các tài sản khác như bất động sản, phương tiện xe cộ tuỳ từng ngân hàng định giá. Tuy nhiên giá trị định giá hiện nay rất thấp".
"Thường doanh nghiệp làm trên đất thuê và tài sản rất giá trị khi đầu tư nhưng nếu mà rủi ro tài sản không còn giá trị. Đấy là một vấn đề mà hệ thống ngân hàng và khách hàng vẫn còn đang vướng. Chúng tôi thấy rằng những hàng lang pháp lý và mô hình 5 nhà, 4 nhà vào cuộc thật sự thì vấn đề tài sản không phải vấn đề quan trọng nữa. Ngân hàng Nhà nước có thể giao cho các tổ chức tín dụng chủ động trong việc này, có thể tín chấp", ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho hay.
Theo đại diện ngân hàng, nếu doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản tại Việt Nam có mô hình chuỗi có thể được vay ở mức tối ưu, tương đương 70 - 80% tài sản thế chấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!