Kho nhôm 4,3 tỷ USD "đội lốt" hàng Việt: Bóp nghẹt doanh nghiệp nhôm trong nước?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 05/11/2019 23:50 GMT+7

VTV.vn - Bộ Công Thương nói gì về việc 1,8 triệu tấn nhôm trị giá 4,3 tỷ USD có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ? Liệu ngành nhôm Việt có gặp khó khi số nhôm này được tiêu thụ nội địa?

Để có được câu trả lời, phóng viên VTV24 đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương.

Mới đây, Tổng cục Hải quan có thông tin về một kho hàng nhôm trị giá 4,3 tỷ USD và được cho có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và có thể tận dụng Việt Nam để xuất khẩu đi các quốc gia khác. Xin bà cho biết, vai trò của Bộ Công Thương trong vụ việc này như thế nào?

- Kho nhôm này trước đây để ở Mexico tuy nhiên sau khi chính phủ Mexico có động thái đối với họ thì họ đã di chuyển kho nhôm này về Việt Nam. Hàng hiện được gửi ở kho ngoại quan của hải quan. Hải quan là đơn vị kiểm soát kho hàng. Bộ Công Thương sẽ không thể kiểm soát được khi họ lấy từ kho ngoại quan đưa vào sản xuất. Chỉ khi họ xuất khẩu, họ khai xuất xứ và họ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ thì lúc đó Bộ Công Thương mới có vai trò xem xét xem hàng hóa đó có đạt tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam hay không.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, chỉ 1/10 trong số lượng hàng xuất khẩu của công ty là xuất sang Mỹ và 3% trong tổng lượng xuất khẩu sang Mỹ có xin C/O. Đến thời điểm này, họ chưa bao giờ xin giấy chứng nhận xuất xứ của Bộ Công Thương. Ngoài ra, với quy trình sản xuất như hiện nay, giá trị gia tăng thì rất khó họ xin được giấy chứng nhận xuất xứ theo các C/O ưu đãi.

Khi doanh nghiệp gặp khó trong xin C/O để xuất khẩu, rất có thể họ sẽ tiêu thụ và khai thác 1,8 triệu tấn nhôm ở thị trường nội địa. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành nhôm trong nước?

- Cách đây 1 tháng, Bộ Công Thương đã có quyết định chính thức về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong vòng 5 năm đối với mặt hàng nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, những công ty chịu thuế cao nhất lên đến 35,58%. Trong trường hợp này, nhôm đó nhập khẩu vào Việt Nam phải chịu mức thuế chống bán phá giá là 35,58%. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với mức thuế như vậy sẽ khó cạnh tranh với hàng hóa do Việt Nam sản xuất.

Để có thể ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ và lẩn tránh phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp cấp bách trước mắt và trong dài hạn như thế nào?

- Giải pháp lớn nhất của Bộ Công Thương là xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc kịp thời thông tin cho những đối với những mặt hàng trọng điểm trong chống gian lận xuất xứ. Bộ Công Thương đã và đang xây dựng một danh mục cảnh báo, trong đó nêu rõ những mặt hàng có nguy cơ cao bị gian lận xuất xứ trong xuất khẩu và nhập khẩu để gửi cho các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội.

Bộ Công Thương kết hợp với cơ quan giám sát về xuất xứ cũng như cơ quan phòng vệ thương mại của các nước để xây dựng cơ chế thông tin lẫn nhau trong những vụ việc có nghi ngờ liên quan đến vấn đề về xuất xứ.

1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc suýt xuất khẩu sang Mỹ dưới mác hàng Việt Nam 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc suýt xuất khẩu sang Mỹ dưới mác hàng Việt Nam

VTV.vn - Tổng cục Hải quan phát hiện 1,8 triệu tấn nhôm với tổng giá trị 4,3 tỷ USD có nguồn gốc từ Trung Quốc, định xuất sang Mỹ với nguồn gốc xuất xứ Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước