Khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam: Cú hích lớn cho nền kinh tế

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 04/10/2020 09:10 GMT+7

VTV.vn - Ba dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam đồng loạt khởi công được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế đất nước.

Ngày 30/9, 3 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam gồm các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 5; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đã được khởi công đồng loạt. 

Với tổng vốn đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, 3 dự án này cùng với các dự án khác sẽ từng bước hình thành nên tuyến cao tốc hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao. Tuần qua, hàng loạt tờ báo đã đưa tin, phân tích và có bài bình luận về dấu mốc quan trọng này.

Khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam: Cú hích lớn cho nền kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: TTXVN.

Không làm ẩu, làm dối

Theo tờ Lao động, phát biểu trong lễ khởi công dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 tại Thanh Hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đất nước còn nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, càng giàu càng phải làm giao thông, không có giao thông thì khó phát triển được đất nước.

Tờ Thanh Niên nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng đó là cao tốc Bắc - Nam phải là công trình mẫu mực. Phải rút kinh nghiệm sai sót trong dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để đảm bảo các dự án đường cao tốc Bắc - Nam có chất lượng và tiến độ tốt.

"Không được làm ẩu, làm dối để công trình tai tiếng sau khi khánh thành" - đó là yêu cầu của Người đứng đầu Chính phủ tại lễ khởi công.

"Muốn vậy, không được bán thầu, chia nhỏ gói thầu cho nhiều thầu phụ để ăn chênh lệch. Phải đảm bảo chất lượng vật liệu, không làm sai tiêu chuẩn thiết kế. Nếu đơn vị nào làm sai sẽ bị xử lý nghiêm" - tờ Tuổi trẻ nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng.

Cơ chế kiểm soát "hậu đấu thầu"

Câu chuyện "nhà thầu" cũng là mối quan tâm của tờ Tiền Phong khi đưa tin về sự kiện này. Tờ báo cho biết, lượng hồ sơ dự thầu lớn nhất từ trước đến nay khi đấu thầu các dự án giao thông minh chứng cho sức hấp dẫn rất lớn của 3 dự án đầu tư công cao tốc Bắc - Nam đối với các doanh nghiệp xây lắp.

Đợt mở thầu cao tốc Bắc - Nam lần này được tiến hành theo quy trình chặt chẽ và bài bản. Các nhà thầu trúng thầu cần được chúc mừng, song phải có cơ chế kiểm soát sau đấu thầu. Có thể làm công tác đấu thầu rất công phu, bài bản, tốn nhiều thời gian nhưng nếu không có cơ chế kiểm soát "hậu đấu thầu" dễ dẫn tới hậu quả, hệ lụy khôn lường. Bài học rút ra từ BOT đến giờ vẫn còn nguyên vẹn.

Tháng 6 vừa qua, trên nghị trường Quốc hội, đại biểu Phùng Văn Hùng đoàn Cao Bằng đã phát biểu: "45 năm sau giải phóng, đất nước chúng ta chưa có một con đường cao tốc Bắc - Nam - con đường huyết mạch. Nếu mỗi giờ hiện nay bất kỳ con đường nào từ Bắc vào Nam chỉ đi được khoảng 60 - 70 km/h, trong khi cao tốc đi được 120 km/h thì hàng giờ chúng ta thiệt hại bao nhiêu cho nền kinh tế?".

Vì vậy, triển khai nhanh dự án đường cao tốc Bắc - Nam là mong mỏi của người dân cả nước bấy lâu nay. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, chủ chương xây dựng các tuyến cao tốc xuyên suốt mọi miền đất nước sẽ phát huy hiệu quả đầu tư, rút ngắn thời gian đi lại và tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam: Cú hích lớn cho nền kinh tế - Ảnh 2.

Khởi công Dự án thành phần tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Dân trí

Trong bài viết có tựa đề "Cao tốc Bắc - Nam không thể chậm chạp nữa", tờ Nông nghiệp Việt Nam bình luận: Để đối phó với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã tích cực mở rộng đầu tư công. Vì vậy, những công trình giao thông không có lý do gì để tiếp tục trì hoãn. Thúc đẩy dự án cao tốc Bắc - Nam không chỉ tạo tiền đề cho tương lai, mà còn góp phần kích hoạt nền kinh tế.

Tờ Đầu tư nhận định dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực rất lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Song, khát vọng nối thông cao tốc Bắc - Nam từ Hữu Nghị tới Cà Mau, tạo tiền đề đưa đất nước sở hữu 5.000km đường cao tốc là hiện thực gần hay mãi là giấc mơ xa đang phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của Bộ GTVT.

Cùng với quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành, một vấn đề vấn rất cần nghiêm túc đặt ra là sau khi có cao tốc rồi các địa phương sẽ có chiến lược gì, hành động thế nào để tận dụng phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân chứ không phải cao tốc làm xong rồi lại không phát huy tác dụng. Khi đó sẽ lãng phí tiền của nhà nước, tiền của dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước