Giữa tuần này, 3 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam gồm các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây chính thức được đồng loạt khởi công. Điểm đáng chú ý, từ khi có quyết định chuyển 3 dự án hàng chục ngàn tỷ đồng này sang đầu tư công đến khi khởi công chỉ 3 tháng.
Đột phá về hạ tầng giao thông
Ngay sau khi có nghị quyết 52 và 117 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 20 và 112 nhằm triển khai dự án cao tốc đường bộ Bắc Nam phía Đông. Bộ Giao thông vận tải cùng các địa phương bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng. Với 3 đoạn dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết sau khi được chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công đã rút ngắn được hơn 6 tháng cho công tác chuẩn bị đầu tư, đến nay đã hoàn thành lựa chọn được nhà thầu để tiến hành thi công.
Cho đến thời điểm này, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, toàn bộ 11 đoạn thuộc dự án cao tốc đường bộ Bắc Nam phía Đông đã hoàn thành 92% công tác giải phóng mặt, khối lượng giải ngân đạt trên 87%. Đây là dự án giao thông có khối lượng mặt bằng được giải phóng cao nhất từ trước đến nay, đảm bảo mặt bằng sạch cho nhà thầu, chủ đầu tư thi công khi tham gia dự án.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho biết: "Giải phóng mặt bằng là một trong những yếu tố quyết định đến tiến độ, chất lượng công trình".
Các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam sẽ được áp dụng những cơ chế hợp tác công tư tốt nhất. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Theo kế hoạch, dự án cao tốc đường bộ Bắc Nam phía Đông sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Việc sớm đưa dự án cao tốc đường bộ Bắc Nam phía Đông không chỉ tạo động lực phát triển mới cho 13 địa phương có dự án đi qua mà còn thúc đẩy giải ngân đầu tư công ngay trong đại dịch COVID-19.
Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, nói: "Các bộ ngành địa phương cần nhận thức giải ngân đầu tư công sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế cũng như giải quyết an sinh, tạo việc làm cho người lao động".
Với chiều dài 654 km và tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng, đến nay trong tổng số 11 đoạn dự án cao tốc đường bộ Bắc Nam phía đông đã triển khai được 6 đoạn còn 5 đoạn dự án được triển khai theo hình thức PPP sẽ khởi công vào đầu năm 2021. Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam là công trình trọng điểm quốc gia, 1 trong 4 tuyến giao thông huyết mạch dọc theo đất nước dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Lợi thế từ cao tốc đường bộ
Nếu coi mạng lưới giao thông đường bộ ở Việt Nam là một cơ thể hoàn chỉnh thì cao tốc Bắc - Nam được đánh giá là "xương sống" của cơ thể đó. "Siêu dự án" cao tốc Bắc - Nam kết nối với các trục chính sẽ tạo thành một mạng lưới giao thông đồng bộ và khép kín. Nhiều địa phương đã bổ sung quy hoạch xây dựng các trọng điểm kinh tế song hành cùng tuyến đường cao tốc và coi đây là động lực để phát triển kinh tế.
Ninh Bình là một trong những địa phương có các đoạn cao tốc Bắc Nam phía Đông sẽ được hoàn thành sớm nhất. Địa phương này cũng sẽ được hưởng lợi từ các đoạn cao tốc sắp được triển khai. Đại diện địa phương cho biết: Đây chính là động lực mới để Ninh Bình phát huy lợi thế sẵn có và mở ra nhiều hướng phát triển mới.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết: "Ninh Bình đang xem xét và triển khai đầu tư các khu công nghiệp để kết nối với tuyến đường cao tốc này".
Với chiều dài 654km trải dài qua 13 địa phương, tuyến cao tốc đường bộ Bắc Nam không chỉ giúp các địa phương hình thành các khu vực kinh tế gắn với thế mạnh mà còn xây dựng chuỗi kết nối liên thông giữa các địa phương và nhiều khu vực kinh tế trọng điểm.
Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nói: "Một trục cao tốc đường bộ xuyên suốt từ Bắc đến Nam không chỉ rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí trung gian mà còn tạo thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong việc thu hút đầu tư. Bên cạnh đó còn là việc mở ra nhiều không gian phát triển kinh tế mới thông qua hệ thống kết nối với trục cao tốc".
Chương trình Sự kiện và bình luận ngày 3/10 với sự tham gia của ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư, Bộ Giao thông Vận tải và PGS. TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khoá 14 sẽ có những phân tích, chia sẻ cụ thể về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!