Dự án sẽ nạo vét tuyến luồng vào khu bến cảng Nghi Sơn đáp ứng tàu có trọng tải từ 30.000 DWT đầy tải
Dự án Nạo vét, nâng cấp luồng tàu vào cảng Nghi Sơn là một trong những dự án được Cục Hàng hải Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng như là công trình khơi mở cho hình thức đầu tư PPP vào lĩnh vực nạo vét, cải tạo luồng hàng hải vào các cảng biển trọng yếu quốc gia. Trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, loại hợp đồng được lựa chọn để triển khai Dự án là xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT). Nhà đầu tư sẽ duy trì chuẩn tắc tuyến luồng bảo đảm điều kiện hàng hải trong suốt thời gian thỏa thuận thuê dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, dự án này có mục tiêu nạo vét tuyến luồng vào khu bến cảng Nghi Sơn đáp ứng tàu có trọng tải từ 30.000 DWT đầy tải và các tàu lớn hơn giảm tải hàng thủy vào các bến hiện hữu, khu bến số 5, 6 và khu bến tổng hợp gang thép Nghi Sơn.
Để đạt mục tiêu này, trong vòng 2 năm (2016 - 2018), Dự án sẽ phải nạo vét mở rộng khu quay trở có đường kính 400 m; đoạn luồng vào cầu cảng số 1, 2, 2 A khu bến tổng hợp gang Nghi Sơn; đoạn luồng vào bến tổng hợp số 6 của Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh… đạt cao độ đáy luồng -11 m, mái dốc nạo vét 7 m. Tổng mức đầu tư Dự án ước khoảng 305 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 265,7 tỷ đồng, phần còn lại là lãi vay, chi phí quản lý dự án, dự phòng phí.
Liên quan tới phương án tài chính - một trong những điểm nút quan trọng tại một dự án PPP hạ tầng, Cục Hàng hải Việt Nam dự kiến sử dụng phần vốn góp của doanh nghiệp cảng để đầu tư xây dựng và đề nghị trích một phần nguồn phí bảo đảm hàng hải toàn quốc hàng năm để thanh toán dịch vụ của nhà đầu tư. Hiện Công ty cổ phần Gang thép Nghi Sơn đã có đơn xin tham gia đầu tư Dự án và cam kết góp khoảng 20% tổng mức đầu tư (không hoàn vốn), phần còn lại sẽ huy động vốn vay thương mại, vốn chủ sở hữu để triển khai Dự án.
Được biết, ngoài Dự án Nạo vét, nâng cấp luồng tàu vào cảng Nghi Sơn, công trình cải tạo nạo vét tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang (Đà Nẵng) cũng đang được Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BLT.
Tại Dự án này, các nhà đầu tư sẽ bỏ vốn nạo vét luồng đáp ứng cho tàu 10.000 DWT từ đầu tuyến vào đến hết vũng quay cảng Sơn Trà; đoạn từ cảng Sơn Trà đến khu nước Nhà máy X50 đáp ứng cho các tàu quân sự đến 4.100 tấn và 3.000 DWT, các tàu lớn hơn giảm tải, tàu đến 8.000 DWT không tải ra vào an toàn với tổng chiều dài tuyến nạo vét 2,83 km; đóng mới và lắp đặt 8 phao báo hiệu hàng hải; duy tu đảm bảo chuẩn tắc kỹ thuật toàn bộ tuyến luồng trong thời gian khai thác.
Dự án có tổng mức đầu tư (gồm lãi vay) là 69,831 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp cảng góp vốn đầu tư khoảng 10,1 tỷ đồng để nạo vét đoạn luồng trước khu nước trước cảng Sơn Trà (dự kiến khoảng 132.304 m3); phần kinh phí còn lại khoảng 59,733 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư huy động gồm 15% vốn chủ sở hữu là 8,96 tỷ đồng, 85% vốn vay thương mại là 50,773 tỷ đồng để thực hiện nạo vét khối lượng còn lại theo hình thức hợp đồng BLT. Thời gian nhà đầu tư cung cấp dịch vụ trong khoảng 5 năm (2017-2021) với giá thuê dịch vụ bình quân khoảng 20,089 tỷ đồng/năm, được cân đối từ nguồn phí bảo đảm hàng hải toàn quốc hàng năm để trả cho nhà đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, hợp đồng BLT là phương án tối ưu, vừa đảm bảo tính khả thi cho các dự án luồng hàng hải, vừa phù hợp quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP, vừa có khả năng thu hút được nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.
Cụ thể, nếu thực hiện Dự án luồng Thọ Quang theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), nhà đầu tư được hưởng quyền thu phí bảo đảm hàng hải để hoàn vốn đầu tư sẽ khó khả thi, vì hiện nay Nhà nước chưa có quy định cho phép sử dụng nguồn thu phí bảo đảm hàng hải để hoàn vốn cho nhà đầu tư và việc thu phí này hiện do các cảng vụ hàng hải thực hiện; mặt khác, lưu lượng hàng hóa khu vực cảng Đà Nẵng hiện tại là thấp, thời gian thu phí kéo dài nên sẽ không khả thi về mặt tài chính, do vậy sẽ khó thu hút được nhà đầu tư.
"Trong khi đó, nếu thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), thì việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất cũng không thể thực hiện được do cơ quan có thẩm quyền về đất đai là UBND TP. Đà Nẵng và Thành phố đã khẳng định không thể bố trí quỹ đất để tạo nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BT", ông Công cho biết.