Khởi sắc thị trường lao động

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 11/09/2023 21:13 GMT+7

VTV.vn - Thị trường lao động, việc làm đang có sự phục hồi khi nhu cầu tuyển dụng đang tăng trở lại.

Đơn hàng quay trở lại

Trong những tháng cuối năm ngoái và nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều bị giảm đơn hàng từ 15 - 20%, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 40%, trong đó ngành dệt may, da giày bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, đã có tín hiệu tốt khi gần đây, các đơn hàng đã quay trở lại.

Công nhân làm theo giờ hành chính là chuyện lạ trong suốt nửa đầu năm nay tại Công ty giày Hồng Bảo. Đơn hàng ít, người lao động làm việc 8 tiếng/ngày, thậm chí trong tháng 6, tháng 7, công nhân còn nghỉ một vài ngày giữa tuần và chỉ hưởng lương cơ bản. Tuy nhiên, các công nhân cho biết hiện tình hình đã cải thiện. Những đơn hàng mới bắt đầu về từ khoảng tháng 8. Tuy chưa nhiều nhưng ít nhất, nhà máy đã có đơn hàng làm đến hết tháng 10.

Còn tại Công ty may 10, hơn một tháng nay công nhân đã có việc nhiều hơn, số lượng đơn hàng tăng lên đáng kể. Người lao động vui mừng khi được tăng ca trở lại.

Nỗ lực mở rộng thị trường sang các nước Mỹ Latin, Trung Quốc, Nhật Bản, của ngành dệt may đã có kết quả bằng các đơn hàng mới. Các thương hiệu của Mỹ và châu Âu cũng quay lại đặt hàng vì trình độ nhân công của Việt Nam cao hơn, có thể gia công được các đơn hàng khó với tốc độ nhanh.

Thời điểm này, ngành dệt may, da giày, đồ gỗ và một số ngành hàng khác đã dừng cắt giảm lao động và co hẹp sản xuất. Những đơn hàng đã ký và sắp ký sẽ đảm bảo việc làm cho người lao động từ nay đến cuối năm.

Khởi sắc thị trường lao động - Ảnh 1.

Đơn hàng tăng, người lao động vui mừng khi được tăng ca trở lại. Ảnh minh họa.

Nhu cầu tuyển dụng tăng

Mặc dù chưa hết khó khăn hoàn toàn nhưng các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ đã bắt đầu có sự khởi sắc. Các ngành sản xuất khác cũng đang tuyển thêm lao động cho những tháng cao điểm cuối năm, số lượng lao động tuyển vào đã lớn hơn số lao động giảm đi, cho thấy đà phục hồi trở lại.

Công ty TNHH Green Precision Components Việt Nam đang gấp rút lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất. Trong suốt nửa đầu năm nay công ty hầu như không tuyển dụng lao động nhưng từ tháng 6, công nhân đã tăng ca để đáp ứng các đơn hàng mới.

Tuyển mới 500 lao động trong tháng sau và 1.000 lao động từ giờ tới cuối năm là dự tính của công ty, khi các dây chuyền mới hoàn thành lắp đặt. Do được khách hàng tin tưởng đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên công ty phải mở rộng gấp 3 lần nhà máy. Nhưng cái khó bây giờ là tìm đâu ra công nhân.

Ông Wuzong Sheng - Tổng giám Công ty TNHH Green Precision Components Việt Nam cho biết: "Cái khó nhất trong hoạt động tuyển dụng là tuyển dụng lao động kỹ thuật. Vì lực lượng lao đông kỹ thuật cần thời gian dài để đào tạo. Đặc biệt khu vực Bắc Ninh càng khó do rất nhiều công ty cần nguồn lao động kỹ thuật lớn".

Khởi sắc thị trường lao động - Ảnh 2.

Tuyển dụng lao động đã sôi động trở lại khi các nhà máy mở rộng sản xuất để đón đầu nhu cầu phục hồi ở các nước và các trung tâm kinh tế lớn. Ảnh minh họa.

Tình hình tại Công ty TNHH sản xuất Biel Crystal Việt Nam còn căng thẳng hơn khi phải gấp rút hoàn thiện một nhà xưởng 5 tầng đồng thời tuyển kỹ sư, công nhân kỹ thuật hơn 300 người và 3.500 lao động phổ thông. Tình trạng khan hiếm lao động, khó tuyển dụng vẫn diễn ra bất chấp thị trường lao động nhiều nơi còn ảm đạm.

Tại Bắc Ninh, tính đến tháng 8, có 14.000 công nhân rời bỏ doanh nghiệp nhưng cũng có đến 20.000 người được tuyển dụng. Dự báo từ nay đến cuối năm khi các công ty hoàn thành mở rộng nhà máy sẽ cần số lượng lao động rất lớn, cá biệt có công ty cần đến hơn 10.000 lao động.

Tuyển dụng lao động đã sôi động trở lại khi các nhà máy mở rộng sản xuất để đón đầu nhu cầu phục hồi ở các nước và các trung tâm kinh tế lớn. Cơ hội tốt sẽ dành cho những ai có tay nghề cao.

Thị trường lao động TP Hồ Chí Minh

Ở khu vực tam giác TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương, cũng ghi nhận nhu cầu tuyển dụng lao động mới không hề nhỏ mặc dù 6 tháng đầu năm có tới hơn nửa triệu người nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp. Nhận trợ cấp thất nghiệp đồng nghĩa với việc không kiếm được việc làm mới.

Trong tháng 7, xuất khẩu của ngành dệt may tăng hơn 6% so với tháng 6. Da giày, ngành gỗ, những ngành có mức thâm dụng lao động cao, cũng đã có những tín hiệu tích cực về đơn hàng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về thị trường lao động thì khó có thể có sự đảo chiều tuyển dụng trở lại với nhóm lao động thuộc nhóm ngành nghề có mức thâm dụng cao. Một số doanh nghiệp lớn đang tính đến phương án sử dụng dịch vụ cho thuê lao động để giảm bớt gánh nặng tài chính trong bối cảnh đơn hàng chưa ổn định.

Khởi sắc thị trường lao động - Ảnh 3.

Nhu cầu nhân lực những tháng cuối năm sẽ có gần 155.000 - 165.000 chỗ làm việc, trong đó ở khu vực thương mại dịch vụ chiếm 64,57% tổng nhu cầu nhân lực. Ảnh minh họa.

Nhu cầu tuyển dụng lao động tại TP Hồ Chí Minh từ nay đến cuối năm 2023, theo trung tâm dự báo nguồn nhân lực thành phố là từ 155.000 - 165.000 chỗ làm mới, nhưng 86% nhu cầu dành cho lao động đã qua đào tạo. Đây cũng là thực tế tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh cho biết: "Nhóm ngành về kinh doanh quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất, qua khảo sát là 54%".

Đây chính là bài toán đặt ra cho thị trường lao động Việt Nam nói chung, tại TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng. Khi giải được bài toán này cũng là cơ hội lớn để hiện thực hóa việc tái cấu trúc thị trường lao động theo hướng gia tăng giá trị kinh tế và bền vững.

Tình hình việc làm cuối năm

Dự kiến, nhu cầu nhân lực những tháng cuối năm sẽ có gần 155.000 - 165.000 chỗ làm việc, trong đó ở khu vực thương mại dịch vụ chiếm 64,57% tổng nhu cầu nhân lực.

Còn đối với các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động, đơn hàng về mới đủ cho lao động trong nhà máy chứ chưa hấp thu hết số lao động phải tạm nghỉ việc, tình trạng làm việc luân phiên vẫn còn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng theo dự báo, thời gian tới khi giá thành gia công tăng thì lương của người lao động cũng sẽ tăng, chất lượng việc làm được cải thiện. Tình trạng suy giảm của nền kinh tế đã chạm đáy và sẽ bật lên vào những tháng cuối năm.

Nhiều lao động Việt ở nước ngoài muốn trở về nước làm việc Nhiều lao động Việt ở nước ngoài muốn trở về nước làm việc

VTV.vn - Khảo sát mới đây của Robert Walters cho thấy 71% người Việt Nam sống ở nước ngoài đang xem xét khả năng trở lại quê hương sinh sống và làm việc trong vòng 5 năm tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước