Khơi thông vốn cho thị trường bất động sản

VTV Digital-Thứ tư, ngày 08/06/2022 06:01 GMT+7

VTV.vn - Chủ đầu tư có kinh nghiệm triển khai dự án, dự án có vị trí tốt, quy hoạch hạ tầng thuận lợi… thì vẫn được ưu tiên cho vay và có những giải pháp tài chính linh hoạt.

Ngân hàng kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng vào bất động sản, tránh rủi ro từ hoạt động đầu cơ, doanh nghiệp làm ăn không minh bạch, không hiệu quả, chứ không có chủ trương siết tín dụng vào lĩnh vực này. Đây là khẳng định của đại diện các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tại toạ đàm Khơi thông vốn cho thị trường bất động sản vừa diễn ra sáng 7/6 tại TP. Hồ Chí Minh

Tại tọa đàm, đại diện các ngân hàng thương mại khẳng định, chủ đầu tư có kinh nghiệm triển khai dự án, dự án có vị trí tốt, quy hoạch hạ tầng thuận lợi, dự án tại tỉnh thành thu hút du lịch… thì vẫn được ưu tiên cho vay và có những giải pháp tài chính linh hoạt.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó TGĐ, Ngân hàng Vietinbank, cho biết: "Thị trường bất động sản cần có một sự minh bạch để ngân hàng yên tâm cho vay. Từ phía ngân hàng thương mại, chúng tôi không cảm thấy có chỉ đạo từ phía Ngân hàng Nhà nước trong việc siết hay hạn chế mà yêu cầu lựa chọn chủ đầu tư uy tín".

Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng bất động sản vẫn tăng trưởng tích cực. Thống kê chung toàn hệ thống ngân hàng đến tháng 4, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tốc độ tăng tín dụng bất động sản vẫn ổn định. Ngân hàng không siết, chỉ kiểm soát cho vay những đối tượng có rủi ro cao.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nói: "Câu chuyện bong bóng bất động sản năm 2011 đến nay là một bài học và chính sách của chúng tôi từ đó đến nay hầu như nhất quán, đó là kiểm soát chặt chẽ tín dụng có nguy cơ rủi ro đầu tư vào những lĩnh vực có tỉ lệ rủi ro cao. Có nguy cơ rủi ro ở đây là những đối tượng nào: là kinh doanh, là đầu cơ, là những dự án có phân khúc lớn, có giá trị lớn".

Các chuyên gia kiến nghị, kiểm soát rủi ro là đúng tuy nhiên, hệ thống ngân hàng cũng cần khơi thông một cách hạp lý để dòng chảy tín dụng vẫn chảy vào doanh nghiệp làm ăn chân chính, kiến nghị cho vay trên đánh giá tín nhiệm, tính khả thi của dự án.

Về mặt dài hạn, các doanh nghiệp cần đa dạng hoá các kênh huy động vốn khác để nếu có những thay đổi về mặt chính sách thì không rơi vào thế bị động, ví dụ như từ vốn FDI, quỹ tín thác, hoạt động M&A…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước