"Không gian chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế đi rất nhiều"

H.T-Thứ năm, ngày 06/10/2016 17:43 GMT+7

Hội thảo Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa diễn ra vào sáng 6/10

VTV.vn - Đó là lời khẳng định của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, khi nói về vấn đề tận dụng không gian chính sách trong thời kỳ hội nhập.

Hôm nay (6/10), tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Quỹ châu Á đã tổ chức hội thảo về tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa, trong đó phân tích cụ thể cho ngành chế biến xuất khẩu gỗ và ngành bán lẻ.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất đàm phán và ký một loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng, việc tìm kiếm các chính sách hỗ trợ phù hợp với các cam kết, có hiệu quả thực chất, tạo điều kiện để các ngành kinh tế trong nước tận dụng các cơ hội thị trường, cạnh tranh được với các đối tác mạnh từ bên ngoài, bảo đảm những lợi ích cốt lõi của Việt Nam trong hội nhập… là rất quan trọng.

Phát biểu trong khuôn khổ buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - nhấn mạnh Việt Nam cần tận dụng tốt không gian nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng: "Không gian chính sách là những gì còn lại mà chúng ta có thể sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Qua những hiệp định chúng ta đã ký như WTO, TPP, Hiệp định Việt Nam - EU, không gian này bị hạn chế đi rất nhiều.

Vì thế những biện pháp còn lại để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước không còn nhiều nhưng không phải là không còn gì. Bên cạnh đó, không gian chính sách giữa các ngành là không giống nhau. Nếu chúng ta sử dụng hợp lý và khéo léo thì có thể nói, không gian này vẫn còn lại tương đối".

Không gian chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế đi rất nhiều - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập trả lời báo chí

Ngành chế biến xuất khẩu gỗ đối mặt với nhiều rủi ro khi hội nhập

Bà Nguyễn Thị Thu Trang nhận định ngành sản xuất và chế biến xuất khẩu gỗ cũng như các ngành công nghiệp khác là nhóm có không gian chính sách bị thu hẹp nhất.

"Hiện nay chúng ta không thể bảo vệ các ngành công nghiệp bằng thuế nhập khẩu hay các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu, biên pháp đầu tư ưu tiên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể bảo hộ bằng những biện pháp nhất định như chống bán phá giá, chống trợ cấp và những biện pháp được phép khác" - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết.

Đặc biệt, ngành chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam đối mặt với không ít rủi ro như tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu khi buôn bán các sản phẩm gỗ trái phép ở nhiều nước có thể bị coi là phạm pháp, thiếu hệ thống kiểm soát chuỗi cung hiệu quả hay vấn đề sử dụng lao động.

Nhằm giảm thiểu rủi ro của ngành chế biến xuất khẩu gỗ trong hội nhập, ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia dự án đã trình bày một số biện pháp đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Trong đó, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của Việt Nam, tăng cường trách nhiệm giải trình, tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu một cách chủ động. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản phải là đầu mối thông tin, đặc biệt thông tin xác định rủi ro và kiến nghị các biện pháp cần thiết đối với doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Không gian chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế đi rất nhiều - Ảnh 2.

Ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia dự án đã trình bày một số biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro của ngành chế biến xuất khẩu gỗ trong hội nhập

Ông Tô Xuân Phúc cũng kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ hiệp hội nhằm hình thành đầu mối cập nhật thông tin về các quy định của thị trường (sử dụng kênh tham tán thương mại, xúc tiến thương mại, tiếp cận/dịch các thông tin/chính sách có liên quan và chia sẻ rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp).

Ngành bán lẻ: Ít hạn chế nhưng nhiều chính sách ưu đãi kém hiệu quả

Khác với các ngành công nghiệp, ngành dịch vụ, trong đó có bán lẻ, hầu như không có hạn chế nào về các biện pháp hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết thêm: "Trong TPP hay EVFPA, không gian chính sách trong việc kinh doanh bán lẻ không thay đổi nhiều. Những biện pháp chúng ta đang sử dụng như hạn chế hàng hóa bán cho các cơ sở bán lẻ trong nước vẫn được sử dụng nhưng chỉ được trong thời gian 5 năm. Cho nên không gian trong ngành bán lẻ có hẹp đi nhưng không có nghĩa là chúng ta không sử dụng các biện pháp ở bên ngoài".

Không gian chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế đi rất nhiều - Ảnh 3.

Nguồn: Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

Dù vậy, theo thống kê của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, 77% đánh giá các chính sách ưu đãi không có hiệu quả thực tế dù không gian chính sách còn rất rộng. Ngoài ra, số lượng các chủ thể ngành bán lẻ hiện nay còn quá lớn khiến chi phí cho chính sách hỗ trợ, nếu có, cũng sẽ rất lớn.

Để giải quyết vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đề xuất Chính phủ hỗ trợ về thuế, nhờ đó doanh nghiệp bán lẻ có thể bù đắp các chi phí; tạo động lực để các tổ chức tín dụng cho các nhà bán lẻ nhỏ và vừa vay vốn, phát triển kinh doanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước