"Trở về từ miền Trung, tôi thấu hiểu tình cảm của đồng bào miền Trung nhưng thảm họa sẽ xảy ra bất cứ nơi nào trên mảnh đất hình chữ S nếu chúng ta không thay đổi.
Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép các dự án khởi công trong lõi rừng hay thủy điện cóc vẫn được tiếp tục được hoạt động, thậm chí là cấp dự án phép mới", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế xã - hội tại Quốc hội sáng nay (3/11).
Theo đại biểu đoàn An Giang, chúng ta cần phải thay đổi cách làm, phải nhận thấy những sai lầm trong quá khứ. Ông Hiếu nhấn mạnh điều này không dễ.
"Thay đổi trong văn bản, chỉ đạo, nghị quyết thì chúng ta đã làm, song thay đổi trong tư duy thì không dễ. Đơn cử trong đầu nhiều người vẫn nghĩ gỗ tự nhiên tốt hơn gỗ công nghiệp, khoe khách đến nhà cầu thang, bàn ghế làm từ giáng hương, lim sến táu…", ông Hiếu nói.
Theo quan điểm của đại biểu đoàn An Giang, bảo vệ môi trường theo tôi phải bắt đầu bằng tư duy. Mà tư duy là phải nhờ giáo dục mà có. Theo đại biểu Hiếu, với cách giáo dục như hiện nay việc hình thành một tư duy mạch lạc, năng động và hướng thiện là vô cùng khó khăn.
"Chúng ta thử hình dung một cháu bé vào lớp 1 với quyển sách giáo khoa chưa qua thử nghiệm rõ ràng, đang học lại thay đổi bổ sung, sửa chữa hay đính chính. Một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng, chỉ biết cóp nhặt, a dua và không nói thật".
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang)
"Tinh thần tương thân tương ái là bản chất, truyền thống của dân tộc ta. Bão lũ chắc chắn sẽ còn xảy ra hàng năm bởi đây là quy luật của thiên nhiên song chúng ta không thể dùng lòng tốt để khắc phục được hậu quả bão lụt từ năm nay qua năm khác. Chúng ta cần chiến lược lâu dài giảm hậu quả nặng nề của bão lụt", ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Hiếu, chiến lược đó phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia với sự đóng góp của chuyên gia nhiều lĩnh vực, từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn dòng sông đổ vào Việt Nam, hạn chế họ xây các đập thủy điện mới hoặc vận hành các đập thủy điện đã có. Hoặc những vấn đề cụ thể như cập nhật bản đồ sạt lở ở các địa phương, xây nhà chống lũ; đầu tư hệ thống cảnh bão lũ sớm, trang thiết bị cứu hộ, xây khu tập trung người dân khi có bão lũ.
"Có vậy thì người dân, nhất là người nghèo, yếu thế và lực lượng công an, quân đội tránh được tổn thất, hi sinh vô cùng đau xót", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Trồng rừng phòng hộ thay thế ở khu vực thủy điện
Đi cụ thể vào các giải pháp, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề nghị, để ứng phó với mưa lũ miền Trung, cần cấp gạo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, giúp người dân có nguồn sinh kế tại chỗ, yên tâm sinh sống. Bên cạnh đó, cần có chính sách trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, tạo sinh kế cho người dân.
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam)
"Các dự án hồ thủy điện, thủy lợi chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ thì phải trồng rừng thay thế, đảm bảo nguyên tắc phòng hộ. Nếu lấy diện tích rừng khu vực phòng hộ, nhưng trồng lại khu vực khác không có chức năng này là không được", ông nói.
Theo ông Bình, chính quyền nên khuyến khích người dân khu vực sạt lở làm nhà sàn, vì thực tế cho thấy khi lũ quét thì nhà sàn có thể bị đẩy đi nhưng không bị vùi lấp; xây hầm trú bão vùng ven biển.
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!