Hình minh họa.
Cụ thể, so với hiện tại, đường bay từ 1.280 km trở lên tăng mạnh nhất với mức 6,67%, lên tối đa 4 triệu đồng. Từ 1.000 km đến dưới 1.280 km tăng 6,25%, tương ứng 3,4 triệu đồng. Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức tăng 2,89 triệu đồng (tương ứng với 3,58%).
Đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, giá vé máy bay tăng trần 2,25 triệu đồng (tương ứng với mức tăng 2,25%). Các nhóm đường bay dưới 500 km và đường bay kinh tế-xã hội (có hỗ trợ của nhà nước) vẫn giữ nguyên.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động lên chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) năm 2023, theo đó việc điều chỉnh phương án này sẽ tác động góp phần tăng CPI năm nay lên khoảng 0,07 điểm phần trăm.
Hiện nay, các mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá vẫn được thực hiện ổn định theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải. Lần gần nhất khung trần này được điều chỉnh tăng là năm 2015.
Đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí của hãng bay. Với biến động của tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 12/2022 của các hãng hàng không tăng 62,39% so với tháng 12/2014 và tăng 80,93% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí doanh nghiệp hàng không tăng 27,9% so với tháng 12/2014 và tăng 33,47% so với tháng 9/2015.
Trước đó, tại buổi Tọa đàm "Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) tổ chức vào cuối tháng 2 vừa qua, đại diện các hãng hàng không và chuyên gia giao thông đều bày tỏ quan điểm và kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay nội địa nhằm đảm bảo đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng.
Theo đó, đại diện Bamboo Airways kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xem xét điều chỉnh giá trên cơ sở đúng quy định pháp luật theo thực tế yếu tố đầu vào. Bỏ giá trần với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên nhưng vẫn duy trì sự quản lý Nhà nước nếu đường bay nào chỉ có 1 hãng khai thác. Bỏ giá trần hay nâng giá trần không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng.
Theo quan điểm của ông Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông, giá trần vé máy bay còn tồn tại đến nay là sự vô lý khủng khiếp và cần chấm dứt càng sớm càng tốt bởi giá vé trần đã lấy đi các hãng hàng không cơ hội về tăng doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn cao điểm (giai đoạn Hè vào tháng 6-7 và dịp Tết chỉ cao điểm 1 chiều).
"Nếu bỏ giá trần thì các hãng cải thiện được các giai đoạn thấp điểm. Giá trần kìm hãm sự tăng trưởng của hàng không nội địa vì thị trường này hoàn toàn không phụ thuộc vào giá vé đắt. Quan điểm là sửa Luật, Nghị định bỏ trần giá vé cho thị trường quyết định dựa trên nền kinh tế thị trường," ông Lương Hoài Nam nhấn mạnh.
Năm 2021, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với các đường bay có sự cạnh tranh của từ 3 hãng trở lên sẽ giúp các hãng hàng không chủ động hơn trong việc triển khai dải giá vé linh hoạt theo từng giai đoạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!