Chiều qua (12/1), tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu; Cục quản lý giá, và đại diện các hãng tàu, cùng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã có buổi làm việc, trong bối cảnh tình trạng thiếu container rỗng trầm trọng và giá cước vặn tải biển tăng gấp 3, 4 lần đã ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu cuối năm, thời điểm được coi là thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đáng chú ý tình trạng này không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn trên quy mô lớn. Trang CNBC đã gọi tình trạng này là "Khủng hoảng container rỗng".
Container nửa năm qua trở thành mặt hàng được săn tìm, thậm chí tranh giành, dù nhà sản xuất container rỗng lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã chế tạo tới 2,6 triệu chiếc, chạm ngưỡng giới hạn, nhưng tình trạng khan hiếm container vẫn chưa "hạ nhiệt"
Hiện tại việc phân phối container giữa các thị trường khác nhau đang có sự mất cân đối nghiêm trọng. Trong khi ở châu Á, các nhà xuất khẩu tranh giành đăng ký bất kỳ container nào có sẵn, thì ở các khu vực khác, hoạt động hậu cần gần như bị "tê liệt".
Nửa năm qua, container trở thành mặt hàng được săn tìm, thậm chí tranh giành (Ảnh minh họa - Ảnh Reuters)
"Vấn đề cốt lõi là nhiều cảng thiếu hụt lực lượng lao động do dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt là các cảng ở Mỹ và các nước nhập khẩu ở châu Âu, hoạt động vận tải biển đang bị trì hoãn kéo dài", ông Yan Hai - Chuyên gia ngành vận tải tại Công ty phân tích Shenwan Hongyuan Securities cho biết.
Theo nhà phân tích vận tải biển Drewry, sản lượng thông qua cảng container toàn cầu đã bùng nổ với mức tăng 15% trong 6 tháng cuối năm 2020. Trong khi đội tàu thiết bị container vận tải bằng đường biển trên thế giới ước tính giảm 1,1%, xuống 39,9 triệu TEU vào cuối năm 2020.
Cung không đủ cầu, khiến giá cước vận tải tăng cao. Ước tính chi phí vận tải biển từ Thượng Hải đi Mỹ và châu Âu thì mức giá container ở thời điểm hiện tại, vào khoảng 4.500 USD/ 1 container, cao hơn gấp 3 lần so với tháng 5/2020.
Nhiều doanh nghiệp Việt phải chấp nhận xuất lỗ để giữ thị trường
Những diễn biến trên thế giới cũng ngay lập tức tác động tới Việt Nam. Thời điểm này, các doanh nghiệp đang tăng tốc xuất khẩu hàng hóa, nhưng hàng loạt đơn hàng phải đàm phán lại, do không có container rỗng và giá cước vận tải tăng lên gấp 3, gấp 4 lần.
Theo đó, 6.500 USD là giá thuê 1 container 40 feet đưa hàng sang châu Âu, thay vì 2.000 USD như trước. Còn để đưa hàng sang Hàn Quốc, giá thuê container cũng đã lên gấp 3, tức là gần 6.000 USD/container. Giá thuê cao, doanh nghiệp buộc phải giảm 30% lượng hàng hóa xuất khẩu, bởi càng xuất thì càng lỗ.
"Các mặt hàng chúng tôi đang dự trữ để xuất đi theo kế hoạch thì đang đình đốn lại, chi phí lưu kho, chất lượng hàng hóa có thể bị ảnh hưởng. Vấn đề sử dụng tài chính của chúng tôi cũng bị động", ông Trương Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn cho biết.
Cuộc khủng hoảng container rỗng dự báo sẽ còn kéo dài
Song kể cả khi chấp nhận trả phí cao, cũng không đủ container để đóng hàng xuất khẩu. Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, có đến 40% doanh nghiệp đang gặp khó trong việc giao nhận container rỗng.
Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, do phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài nên hiện không có giải pháp nào, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản lượng, giảm giá bán, thậm chí chấp nhận lỗ để giữ khách hàng ở những thị trường truyền thống.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam dự báo tình trạng thiếu hụt container khả năng sẽ còn tiếp tục đến nửa đầu năm nay.
Còn theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình thiếu container rỗng sẽ khó có thể giải quyết được ngay mà phụ thuộc vào tình hình dịch COVID-19. Bởi phải đợi đến khi dịch bệnh lắng xuống, các cảng ở phương Tây giải tỏa được hàng thì mới có thể đưa container rỗng về nước. Tuy nhiên, Cục cũng đề nghị các hãng tàu không lạm dụng vị trí thống lĩnh, gây nhiễu đoạn thị trường giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!