Chi tiêu tiêu dùng vốn chiếm 70% sản lượng kinh tế Mỹ và cũng là một thước đo quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế. Vừa qua, Mỹ đã trải qua giai đoạn mua sắm bùng nổ nhất trong năm với doanh số bán hàng ngày Thứ Sáu Đen và Thứ Hai Công nghệ cao kỷ lục.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn thì doanh số cao một phần do giá cả tăng vì lạm phát. Về tổng thể doanh số bán hàng ngày Thứ Sáu Đen năm nay chỉ tăng 2,3%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 19% trước dịch vào năm 2019. Đây là một dấu hiệu cảnh báo với nền kinh tế Mỹ.
"Chúng ta đã không trải qua một cuộc suy thoái thực sự trong một thập kỷ. Tôi nghĩ một cuộc suy thoái nhẹ sẽ là điều được nhiều người đồng thuận", ông George Ball - Chủ tịch Hãng dịch vụ tài chính Sanders Morris Harris, Mỹ cho hay.
Ảnh minh họa - (Ảnh: Getty Images)
Tại Mỹ, việc công bố nền kinh tế có suy thoái hay không thuộc thẩm quyền của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, tuy nhiên việc công bố này có thể chậm hơn so với diễn biến tình hình. Hiện nay, ngoài dấu hiệu về chi tiêu tiêu dùng của người dân, lịch sử cho thấy bất cứ khi nào chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng hơn 6% so với 1 năm trước, chứng khoán Mỹ rơi vào thị trường giá xuống, suy thoái kinh tế sẽ xảy ra.
Ông Sam Stovall - Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược, Công ty CFRA, Mỹ nhận định: "Theo truyền thống, suy thoái sẽ tới cùng lúc khi sự suy giảm thu nhập trên thị trường chứng khoán bắt đầu. Vì vậy, nếu nhận thấy dấu hiệu này vào quý IV năm 2022, có thể chúng ta sẽ thấy suy giảm kinh tế bắt đầu vào tháng 1/2023. Thật không may, có những lúc tới tận 8 tháng sau, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia mới công bố tình hình suy thoái".
Từ ngày mai (13/12) Fed sẽ bước vào cuộc họp chính sách cuối cùng của năm nay. Theo dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhưng chậm lại so với những tháng vừa qua. Với nền kinh tế Mỹ, tới thời điểm này đã bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu kém lạc quan là biểu hiện của một cuộc suy thoái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!