Một số tổ chức trong nước và quốc tế đã đưa ra những dự báo cho nền kinh tế Việt Nam, cho năm nay và 2 năm tới. Theo đó, những dự báo về kinh tế Việt Nam đều cao hơn mặt bằng chung 6,3%. Đây cũng là dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Các báo cáo phân tích đều đánh giá cao điểm này.
Cả 3 ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều duy trì tăng trưởng ở mức cao nhờ 3 động lực chính. Thứ nhất, xuất phát từ nhu cầu nội địa, như khảo sát của Nielsen mới đây đã chỉ ra, niềm tin tiêu dùng tại Việt Nam hiện xếp thứ 2 trên thế giới.
Thứ hai, xuất phát từ nhu cầu của thị trường xuất khẩu, khi thặng dư thương mại đạt tới 6,4 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm.
Thứ ba là khu vực FDI, khi giá trị giải ngân của khu vực này cũng tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong vòng 3 năm qua, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong khu vực ASEAN-6, vốn FDI thực hiện tăng đều. Tuy nhiên, cũng chính vì độ mở cao của nền kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, áp lực ngày càng gia tăng lên tỷ giá. Chưa kể, dự báo FED có thể tăng lãi suất cũng gây sức ép lên dòng vốn FDI và mặt bằng lãi suất tại Việt Nam.
ADB và nhiều tổ chức đánh giá tín nhiệm đã nâng mức đánh giá với Việt Nam lên mức ổn định. Một kịch bản cụ thể với những con số cụ thể khó có thể dự báo chính xác tại thời điểm này. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng ổn định trong trung và dài hạn đòi hỏi những nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!