Kịch bản thuế quan mới của Mỹ, ngành nào gặp khó?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 15/11/2024 10:02 GMT+7

VTV.vn - Năm 2025 tới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thương mại toàn cầu sẽ đưa tới nhiều thách thức và các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho những kịch bản có thể xảy ra.

Theo dự báo, khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone và các nền kinh tế châu Á sẽ chứng kiến nhiều thay đổi trong thương mại và xuất khẩu.

Tại châu Âu, đã có những dự đoán về việc hàng hoá châu Âu xuất khẩu sang các đối tác thương mại lớn sẽ bị áp thuế cao hơn trong năm sau, thậm chí thuế lên tới 20%. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng con số áp thuế trên thực tế cũng có thể sẽ không cao đến mức như vậy.

Ông Andrew Kenningham - Chuyên gia kinh tế tại Capital Economics nhận định: "Tôi cho rằng các con số như áp thuế lên tới 20% đối với hàng hoá EU là hơi cao. Thực tế, có thể mức áp thuế chỉ là 10% và chỉ làm suy giảm dưới 0,5% GDP của khu vực Eurozone. Một số quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ việc áp thuế hàng hoá so với các quốc gia khác. Ví dụ, Đức có thể sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn do tỉ lệ hàng hoá xuất khẩu cao".

Chuyên gia kinh tế Andrew Kenningham cũng nhận định, năm sau nếu các kế hoạch áp thuế từ các đối tác lớn như Mỹ vẫn diễn ra, rất có thể đồng Euro sẽ hạ giá, về mức 1 Euro đổi 1,05 USD, hoặc thậm chí 2 đồng tiền ngang nhau.

Các nhà sản xuất châu Âu, chẳng hạn trong lĩnh vực ô tô, sẽ gặp khó khăn do phải đối diện với khả năng thuế quan kép từ Mỹ và sức ép từ hàng nhập khẩu giá rẻ từ các quốc gia khác như Trung Quốc.

Kịch bản thuế quan mới của Mỹ, ngành nào gặp khó? - Ảnh 1.

Năm 2025, thương mại toàn cầu sẽ đưa tới nhiều thách thức. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.

Còn tại khu vực châu Á, mới đây, trao đổi với phóng viên VTVMoney, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF cho rằng, một số nền kinh tế châu Á có thể tận dụng cơ hội từ xu thế dịch chuyển thương mại và trở thành địa điểm mới để đặt nhà máy sản xuất. Nhưng về lâu về dài, thương mại đa phương vẫn sẽ đem lại lợi ích và sự ổn định nhất cho các bên.

Ông Krishna Srinivasan - Giám đốc Châu Á - Thái Bình Dương của IMF cho biết: "Chúng ta đã từng thấy hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ phải đi qua một số quốc gia Đông Nam Á để giảm áp lực thuế, hoặc đi qua Mexico. Những nước này có thể hưởng lợi trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, tất cả các bên đều sẽ chịu thiệt hại. Vì vậy, điều quan trọng là ngay cả các quốc gia được hưởng lợi trong ngắn hạn vẫn là hướng tới chủ nghĩa đa phương, hợp tác toàn cầu".

Giá những nguyên vật liệu sản xuất cũng là một yếu tố có thể tác động lên thương mại toàn cầu năm sau. Giá đồng, một nguyên liệu cốt lõi cho công nghiệp, đã giảm gần 2% trong những ngày gần đây, cho thấy lo ngại ngày càng lớn về sự suy yếu trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Điều này có thể là chỉ dấu cảnh báo cho nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào đồng và các nguyên liệu khác, từ đó đe dọa đến sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu.

'BRICS tạo ra cán cân thương mại toàn cầu mới' "BRICS tạo ra cán cân thương mại toàn cầu mới"

VTV.vn - Nhà kinh tế học nổi tiếng người Nigeria, ông Muda Yusuf, đã tuyên bố rằng tư cách thành viên BRICS là một "tình huống đôi bên cùng có lợi".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước