Kích cầu tiêu dùng nội địa, vực dậy nền kinh tế

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 08/07/2023 12:36 GMT+7

VTV.vn - Các chính sách kích cầu tiêu dùng đã góp phần duy trì tăng trưởng khu vực này, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước GDP nửa đầu năm nay tăng 3,72%, trong đó đóng góp lớn nhất vẫn là khu vực dịch vụ khi chiếm gần 79%. Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng khu vực này và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.

Trong 6 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi xuất khẩu hiện đối diện nhiều thách thức thì yếu tố hấp dẫn của thị trường tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh vào lúc này.

Năm nay, TP Hà Nội tổ chức các chương trình khuyến mại kéo dài hơn, giảm giá sâu hơn. Vào những tháng thấp điểm tiêu dùng như tháng 5, tháng 7 và tháng 11 có các chương trình khuyến mại riêng để kích cầu thị trường.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết: "Sở Công Thương Hà Nội đã nhận được 21.000 chương trình khuyến mại của 4.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia".

Kích cầu tiêu dùng nội địa, vực dậy nền kinh tế - Ảnh 1.

Trong 6 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, Chương trình khuyến mãi tập trung lớn nhất trong năm đang diễn ra kéo dài 3 tháng, đến hết ngày 15/9. Đã có hơn 3.000 doanh nghiệp công bố hơn 7.000 chương trình với mức giảm giá lên đến trên 90%, cả trực tiếp và trực tuyến.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nửa đầu năm nay tăng 10,9% là nhờ sự đóng góp nhiều nhất từ 2 nhóm: Dịch vụ lưu trú ăn uống tăng gần 19% và du lịch lữ hành tăng 66% so với cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm, vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng ở 2 nhóm này.

"Lĩnh vực du lịch lữ hành là dư địa rất tốt để tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Điểm thứ hai là bình ổn nguồn cung với nhóm hàng hoá thiết yếu cho nhu cầu của người dân và thực hiện đẩy mạnh các chương trình kích cầu nội địa", ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho hay.

Từ ngày 1/7, thuế giá trị giá tăng được giảm 2%, chính sách này cũng sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng trong nước nửa cuối năm nay.

Thúc đẩy tín dụng tiêu dùng để kích thích sản xuất

Mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng được xem là một trong những giải pháp khuyến khích tiêu dùng, qua đó hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Hiện nhiều công ty tài chính, ngân hàng thương mại đang tìm cách mở rộng tín dụng tiêu dùng.

Thay vì phải trả ngay 100% tiền cho món hàng, nhiều người tiêu dùng bây giờ lựa chọn hình thức trả góp. Nhờ vậy, lượng hàng tiêu thụ của nhiều cửa hàng cũng tăng lên đáng kể.

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ giúp cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được tiêu thụ nhiều hơn, qua đó sẽ kích thích các nhà sản xuất và cả các nhà thương mại tăng doanh số.

Ông Fabien Sanchez - Giám đốc Quản lý Mạng lưới bán hàng toàn quốc Home Credit cho hay: "Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới dịch vụ cung cấp đến giáo dục, sức khỏe và đồ nội thất. Chúng tôi cũng kết hợp với các nhà sản xuất, phân phối để đẩy mạnh sản phẩm mua trước trả sau với lãi suất thấp".

Kích cầu tiêu dùng nội địa, vực dậy nền kinh tế - Ảnh 2.

Mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng được xem là một trong những giải pháp khuyến khích tiêu dùng. Ảnh minh họa.

Hiện dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính mới chỉ đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế nên dư địa còn rất lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thông.

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, áp lực về nguồn vốn ứ đọng cũng khiến nhiều ngân hàng phải chú trọng hơn đến lĩnh vực cho vay tiêu dùng nhằm khơi thông nguồn vốn.

Việc liên tiếp hạ lãi suất điều hành, qua đó ép mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt hơn so với trước kết hợp với đẩy mạnh và kích thích cho vay tiêu dùng mà các tổ chức tín dụng đang triển khai được xem là các công cụ quan trọng để kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hiện nay.

Giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng Giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng

VTV.vn - Thuế VAT chính thức được giảm từ tháng 7 đến hết năm nay. Đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ chính sách này chính là người tiêu dùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước