Hiện nhiều địa phương đang từng bước nới lỏng giãn cách để thích ứng an toàn với dịch bệnh. Trong đó, có những giải pháp ưu tiên cho hoạt động vận tải hàng hoá để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương có những quy định riêng về kiểm soát vận tải, phần nào đang gây khó cho các doanh nghiệp.
Vẫn chở những chuyến hàng như trước đây, nhưng hơn 2 tháng nay, ngoài giấy tờ liên quan đến phương tiện như bằng lái xe, hoá đơn hàng hoá… lái xe còn phải có thêm giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, liên quan đến giấy chứng nhận này, không phải ở đâu cũng quy định giống nhau.
Nhiều địa phương yêu cầu thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm chỉ là 48 giờ thay vì 72 giờ như quy định của Bộ Y tế. Hay có nơi thì lái xe chỉ cần test nhanh COVID-19 nơi lại yêu cầu phải có giấy xét nghiệm PCR.
"Nếu test khoảng 30 phút sau là có kết quả nhưng nếu phải xét nghiệm PCR phải 7 - 8 tiếng mới có kết quả. Chúng tôi phải chờ đợi rất mất thời gian", lái xe Lưu Quang Định cho hay.
Lái xe phải mất thời gian chờ đợi còn doanh nghiệp vận tải sẽ tốn thêm chi phí khá lớn, nhất là khi có nhiều đầu xe.
Còn một số địa phương có những quy định riêng về kiểm soát vận tải, phần nào đang gây khó cho các doanh nghiệp. Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN.
Một doanh nghiệp cho biết, để đảm bảo cho khoảng 300 phương tiện hoạt động, mỗi ngày chi phí cho xét nghiệm khoảng 30 triệu đồng. Đó là với phương thức test nhanh, còn nếu thực hiện xét nghiệm PCR, chi phí tăng lên gấp 2 - 3 lần.
Ông Hoàng Cao Thế - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiếp vận Hoà Phát cho hay: "Rất mong muốn các đại phương thực hiện đồng nhất quy định phòng chống dịch. Bởi vì trong thời gian diễn ra dịch bệnh các doanh nghiệp vận tải đã phát sinh nhiều chi phí".
Dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát. Các địa phương đang dần nới lỏng giãn cách để thích ứng an toàn với dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu mỗi nơi có một quy định riêng về kiểm soát vận tải, các doanh nghiệp sẽ còn phải tốn thêm nhiều chi phí.
Lái xe sẽ còn chán nản, bỏ nghề do mỏi mệt vì mất thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm. Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam có những thời điểm tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã thiếu hụt từ 40 - 50% lái xe vận tải hàng hoá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!