TP Hồ Chí Minh thận trọng khôi phục chuỗi cung ứng hàng hóa

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 17/09/2021 06:59 GMT+7

VTV.vn - Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, chính quyền thành phố đang triển khai những giải pháp mang tính căn cơ để sớm đưa chuỗi cung ứng về trạng thái bình thường.

Từ 16/9, khoảng 20.000 tài xế giao hàng công nghệ tại TP Hồ Chí Minh đã được phép hoạt động liên quận, huyện. Trước đó, thành phố cũng bắt đầu cho phép dịch vụ bán đồ ăn uống mang đi có điều kiện, từng bước kích hoạt nguồn cung ứng từ 7.600 cơ sở kinh doanh ăn uống. Các chợ đầu mối, chuỗi siêu thị cũng tăng cường hoạt động.

Ngày đầu TP Hồ Chí Minh áp dụng các quy định tăng cường cung ứng hàng hóa

Ngày 16/9 là ngày đầu tiên chính quyền TP Hồ Chí Minh áp dụng một số quy định thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc cung ứng hàng hóa đến người dân trong bối cảnh thành phố kéo dài giãn cách xã hội đến hết tháng 9, như: cho phép tài xế giao hàng công nghệ (shipper) được hoạt động liên quận, huyện; cho phép người dân ở 3 địa bàn thuộc "vùng xanh" là Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ được đi chợ 1 tuần/lần.

TP Hồ Chí Minh thận trọng khôi phục chuỗi cung ứng hàng hóa - Ảnh 1.

Shipper được chạy liên quận từ ngày 16/9. (Ảnh: PLO)

Cũng trong ngày 16/9, các hệ thống siêu thị có điểm bán tại 3 quận, huyện này như: Co.op Mart, Bách Hóa Xanh, Lotte Mart hay Go đã thông báo mở cửa đón khách trở lại theo quy định cụ thể của địa phương. Tuy nhiên, nhiều phường thuộc "vùng xanh" vẫn đang chờ hướng dẫn của quận, nên người dân không thể đi siêu thị do không có phiếu đi chợ.

Ngoài ra, các ứng dụng gọi xe công nghệ phổ biến cũng mở lại dịch vụ giao hàng liên quận. Một số đơn vị cho biết được Sở Công Thương thành phố cho phép tăng thêm hàng trăm shipper được phép hoạt động. Tuy nhiên trong ngày đầu tiên này, hệ thống đăng ký shipper của Sở Công Thương bị lỗi khiến không ít tài xế không tra cứu được tên mình trên danh sách dù đã được duyệt đăng ký nên chưa thể nhận đơn hàng liên quận.

Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, kinh doanh ăn uống vẫn gặp khó để hoạt động từ 16/9

Có thể thấy, trong đợt nới quy định lần này, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang muốn khơi thông hơn năng lực cung ứng hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và khoảng 7.500 cơ sở kinh doanh ăn uống hiện có trên địa bàn. Thay vì chỉ phụ thuộc vào việc cung ứng thực phẩm tươi sống như trước đó. Dù vậy, giới quan sát đánh giá các phương án thành phố đưa ra đang cho thấy sự thận trọng cao.

Hệ thống nhà hàng của Công ty Cổ phần P.A.C.C đã mở cửa lại vài ngày nay. Tuy nhiên doanh nghiệp cho biết đang đối mặt với nhiều rủi ro chi phí như tổ chức cho người lao động thực hiện 3 tại chỗ hay vài ngày phải xét nghiệm cho nhân viên một lần. Trong khi lượng shipper giao hàng lại chưa nhiều, khiến đơn hàng thành công cũng hạn chế.

"Chi phí nguồn cung thay đổi mỗi ngày, về hàng hóa chúng tôi cũng không chủ động được, ngay cả logistics, điều phối hàng từ điểm A đến điểm B. Giá logistics không có barem. Hai yếu tố này nằm ngoài phần kiểm soát của doanh nghiệp", bà Nguyễn Thanh Thiệu An, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần P.A.C.C, chia sẻ.

TP Hồ Chí Minh thận trọng khôi phục chuỗi cung ứng hàng hóa - Ảnh 2.

TP Hồ Chí Minh cho phép dịch vụ ăn uống được mở bán mang về sau 2 tháng tạm ngưng. (Ảnh: NLĐ)

Với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, dù thời gian hoạt động đã được tăng đến 21h nhưng công suất vẫn thấp. Nhân lực làm việc chỉ còn 2/3 so với trước, vì vậy chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường. Hàng làm ra cũng chật vật mới chở được đến nhà bán lẻ.

"Phảo xin giấy đi đường để vận chuyển hàng hóa; phải có giấy xét nghiệm âm tính 3 ngày/lần, đó là cái khó thứ nhất. Khó thứ hai là kho đồng ý nhận hàng, lên đơn hàng xong lại nhận được email, tin nhắn kho có người dương tính, xin phép không nhận hàng, nên cũng không giao được hàng luôn", ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm Công nghệ Sông Hương, cho hay.

"Thiếu nhiều nhất là lực lượng lao động. Do "3 tại chỗ" nên năng suất chỉ đạt 50%, lượng hàng cung cấp ra thị trường cũng giảm 50%. Mong muốn của doanh nghiệp là mở cửa hoạt động lại. Bởi nếu kéo dài, cung ứng sẽ bị đứt gãy, mất khách hàng đầu vào, mất khách hàng đầu ra", Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho biết.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nguồn cung các sản phẩm chế biến như mì gói, miến khô... tại các nhà sản xuất còn lớn, tuy nhiên có tình trạng kho của doanh nghiệp không được cấp giấy đi đường, hoặc cấp số lượng rất hạn chế dẫn đến ách tắc trong phân phối. Sở đang rà soát để hỗ trợ thêm giấy đi đường cho doanh nghiệp cung ứng.

Thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra cho ngành cung ứng hàng hóa là rất rõ khi theo báo cáo của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn chỉ riêng trong tháng 8 vừa qua đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh nghiệp giảm thu, trong khi người dân chịu cảnh hàng hóa tăng giá cục bộ do những đứt gãy chuỗi cung ứng. Lãnh đạo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, chính quyền thành phố cũng đang triển khai những giải pháp mang tính căn cơ để sớm đưa chuỗi cung ứng về trạng thái bình thường.

"Để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện phòng dịch tất nhiên sẽ làm phát sinh chi phí. Để giảm chi phí, giảm giá thành hàng hóa, cách tốt nhất như lãnh đạo Trung ương, thành phố cũng đã chỉ đạo, phải tăng cường việc tiêm vaccine. Với những người đáp ứng được yêu cầu, điều kiện về thẻ xanh, thẻ vàng thì phải tạo điều kiện để họ hoạt động bình thường trở lại. Lúc đó sẽ có rất nhiều động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư kinh doanh. Nếu nguồn cung hàng hóa trở về bình thường, giá cả sẽ trở lại như cũ", Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương nhận định.

Khôi phục chuỗi cung ứng hàng hóa: Cần thông suốt trong thực thi chính sách

Còn với những giải pháp khôi phục trong ngắn hạn, cụ thể là từ nay đến hết tháng 9, khi thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16, cộng đồng doanh nghiệp có chung mong muốn, đó là khâu thực thi chính sách của chính quyền các cấp có sự thông suốt, thống nhất, đồng hành với doanh nghiệp nhiều hơn.

Hơn 1 tuần từ khi TP Hồ Chí Minh cho phép dịch vụ bán đồ ăn uống mang đi được hoạt động lại, đến nay chuỗi cửa hàng The Coffee House mới xác định được phương án mở lại gần 20 điểm bán ở nhiều quận, huyện trong vài ngày tới. Một phần nguyên nhân là do chính quyền mỗi quận, huyện lại có cách thực thi quy định khác nhau.

TP Hồ Chí Minh thận trọng khôi phục chuỗi cung ứng hàng hóa - Ảnh 3.

Chính quyền TP Hồ Chí Minh đang triển khai những giải pháp mang tính căn cơ để sớm đưa chuỗi cung ứng về trạng thái bình thường. (Ảnh minh họa: TTXVN)

"Có phường hiểu là cái này chỉ áp dụng cho hộ kinh doanh, có phường chờ thêm chỉ thị cho rõ ràng hơn, có phường bảo điều kiện dịch chưa đảm bảo nên không cho mở..., mỗi phường thực hiện khác nhau. Vì vậy tôi mong muốn có sự nhất quán để xây dựng được kế hoạch", Tổng Giám đốc The Coffee House Lê Bá Nam Anh cho biết.

Một số chuyên gia cho rằng, trong điều kiện TP Hồ Chí Minh đã có độ phủ vaccine mũi 1 cao, tốc độ tiêm mũi 2 được đẩy nhanh, các quy định như cơ sở ăn uống phải thực hiện "3 tại chỗ" cho người lao động mới được phép hoạt động trở lại nên được áp dụng linh động hơn.

"Nên chuyển "3 tại chỗ" sang "2 điểm đến, 1 cung đường". Người lao động cần cam kết họ chỉ đi từ nhà cho đến nơi làm việc. Hai nơi này đảm bảo được cái tiêu chuẩn "xanh". Bản thân họ cũng có thẻ xanh. Cung đường đó là nhất định và họ phải cam kết theo lộ trình khai báo về y tế, di chuyển nội địa", Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho hay.

"Vẫn có lý do để thận trọng. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ là cách ứng xử linh hoạt và chấp nhận rủi ro. Chúng ta linh hoạt chỗ nào, chấp nhận rủi ro chỗ nào thì chúng ta chưa thấy đặt ra, vì đơn giản phải có doanh nghiệp hoạt động. Chúng ta chấp nhận mở để nền kinh tế vận hành và phải chấp nhận rủi ro ở mức thấp nhất cho loại hình doanh nghiệp đó", ông Huỳnh Phước Nghĩa, nhà nghiên cứu thị trường bán lẻ, nhận định.

Giới chuyên gia khuyến nghị, bản thân các doanh nghiệp cũng cần xác định chiến lược ngay từ bây giờ về việc thay đổi mô hình bán lẻ, cách thức vận hành theo hướng ứng dụng công nghệ nhiều hơn để hạn chế tiếp xúc giữa người với người, chủ động đảm bảo an toàn phòng dịch khi kinh doanh trong bối cảnh mới.

Một bài học trong vận hành chuỗi cung ứng hàng hóa thời gian qua cũng được chuyên gia chỉ ra, đó là sự đứt gãy ở khâu logistics - vận chuyển lưu thông hàng, để tránh lặp lại, cần đảm bảo an toàn logistics trong mọi tình huống. Một trong những điều kiện tiên quyết để tạo ra sự thông suốt này là phải tích hợp công nghệ, trên một nền tảng có sự liên thông. Còn nếu cứ chia cắt, tách rời theo chức năng của từng ngành, thì kịch bản đứt đoạn logistics sẽ tái diễn.

Từ 16/9, TP Hồ Chí Minh cho nhiều loại hình kinh doanh mở cửa đến 21h Từ 16/9, TP Hồ Chí Minh cho nhiều loại hình kinh doanh mở cửa đến 21h

VTV.vn - Từ hôm nay (16/9), TP Hồ Chí Minh tiếp tục quá trình nới một hoạt động kinh doanh trên địa bàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước