Theo một thống kê do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, hiện có tới hơn 4.000 điều kiện kinh doanh. Trong số 15 Bộ có quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương có số điều kiện lớn nhất với hơn 1.000 điều kiện, còn Bộ Tư pháp ít nhất là 64 điều kiện.
Theo báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp đang rất khổ sở với những điều kiện kinh doanh bất hợp lý, can thiệp vào thị trường, tạo cơ hội tùy tiện của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác quản lý.
Trên báo Diễn đàn doanh nghiệp, thống kê cho thấy một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải thực hiện theo 4 văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm 3 thông tư và 1 quyết định. Hay tỷ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan lên tới 30 - 35%, trong khi Chính phủ đã yêu cầu phải kéo giảm xuống còn 15%.
Trở lại với bài viết trên báo Đầu tư, báo này cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng về việc chưa có thay đổi về tư duy, nhận thức về vai trò và ý nghĩa của điều kiện kinh doanh. Nhưng lần này, Bộ đã trình một hiện trạng đáng lo ngại. Đó là các quy định về điều kiện kinh doanh hiện nay cơ bản giống như các điều kiện kinh doanh đã được ban hành cách đây nhiều năm. Cơ quan soạn thảo chưa mạnh dạn tìm tòi sáng kiến và chuyển sang áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn, phù hợp hơn.
Báo Đầu tư dẫn lời ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, theo khảo sát của Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2017 vừa được tổ chức gần đây, có 44% doanh nghiệp cho biết, từng lỡ cơ hội vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường. Năng lực sản xuất và cạnh tranh của nền kinh tế đang bị kìm hãm ở chính điểm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!