Kiến nghị sửa đổi quy định trong dự thảo Luật Đất đai

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 03/11/2023 11:18 GMT+7

VTV.vn - Đã có nhiều kiến nghị sửa đổi quy định trong dự thảo Luật Đất đai về giải phóng mặt bằng hay quy định về chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, hôm nay (3/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một dự thảo luật có tác động rất lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân. Trong đó, câu chuyện về giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân bị thu hồi đất; hay quy định về chuyển mục đích sử dụng đất sang làm dự án thương mại đang là những vấn đề đặc biệt được quan tâm thời gian qua.

3 năm nay, bà Hương (Hà Nội) mất rất nhiều thời gian, công sức đi lại để kiến nghị về phương án đền bù giải phóng mặt bằng của dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m từ khu xử lý chất thải Xuân Sơn) tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Có khoảng 300 hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng.

Bà Hương cho rằng, phương án đền bù giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, do có sự chênh lệch quá lớn, thấp hơn 10 lần, giữa mức đền bù cho mảnh đất của gia đình bà, với mảnh đất ngay bên cạnh.

"Các nhà xung quanh được đền bù 972.000, mà nhà tôi chỉ được đền bù 78.000 thôi. Tôi nộp thuế vẫn là thuế đất ở, vườn liền kề", bà Hương cho biết.

Kiến nghị sửa đổi quy định trong dự thảo Luật Đất đai - Ảnh 1.

Thậm chí, cách đây vài năm có dự án mở đường đi qua chính khu đất. Lúc đó chính quyền địa phương đã áp giá đền bù với giá khung giá của đất trồng cây lâu năm. Nhưng chỉ ít năm sau, không hiểu vì lý do gì mảnh đất lại bị xác định trở thành đất khai hoang. Dù nhiều lần kiến nghị, nhưng bà vẫn chưa nhận được phản hồi thỏa đáng từ chính quyền địa phương.

Ông Phạm Đình Hùng - Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội cho biết: "Khi huyện có chỉ đạo thành lập kiện toàn hội đồng mới chúng tôi sẽ xúc tiến ngay để họp lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nhằm thêm cơ sở để chúng tôi xác nhận, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân".

"Sự việc này đã kéo dài 3 năm, có lẽ là lãnh đạo huyện cần tập trung giải quyết cho công dân, tránh việc kéo dài", ông Bùi Quang Hưng - Giám đốc Công ty Luật BQH và Cộng sự nói.

Nhiều ý kiến người dân mong đợi, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, cần có quy định rõ ràng về cách thức xác định nguồn gốc đất, trách nhiệm của các bên liên quan, tránh dây dưa kéo dài.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đang làm dự án nhà ở thương mại lại lo ngại về quy định chuyển mục đích sử dụng đất sang làm dự án. Theo điều 128 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đã loại bỏ đất nông nghiệp, chỉ có đất ở và đất phi nông nghiệp. Quy định này được cho là khó khả thi, bởi phần lớn các dự án hiện nay được triển khai trên quỹ đất ban đầu là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp hoặc đất sản xuất.

Ông Lê Đình Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Everland cho hay: "Chúng ta cứ nói rằng là luật quy định như vậy sẽ dẫn tới mua gom đất đai rồi làm dự án tràn lan. Không phải như vậy. Để nhà đầu tư mua gom đất, phải có điều kiện, tiêu chí. Việc đề xuất phê duyệt dự án là cả quy trình thủ tục chặt chẽ không phải ai muốn làm cũng được".

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: "Mặc dù rất gấp gáp, vấn đề phải sửa đổi, nhưng phải xem xét việc sửa đổi có thật sự tháo gỡ, khi còn những điểm gợn. Chúng ta đừng đặt thêm những điều kiện để tạo ra rào cản".

Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Luật Đất đai là "xương sống", tác động tới nhiều luật khác. Cho nên, các lo ngại, phản ánh từ phía người dân, doanh nghiệp cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước