Bloomberg cho hay, đại dịch COVID-19 đã tàn phá ngành công nghiệp kim cương toàn cầu, khiến nhiều cửa hàng trang sức phải đóng cửa.
Tại một trong những kho chứa kim cương lớn nhất thế giới, ẩn trong một tòa nhà văn phòng ở vùng ngoại ô của Botswana, những viên đá quý đang ngày một nhiều lên. Chủ sở hữu chúng - De Beers (công ty khai thác kim cương hàng đầu thế giới) cho biết hầu như không bán được viên kim cương thô nào kể từ tháng 2. Đối thủ của họ - hãng kim cương Nga Alrosa PJSC - cũng chịu chung số phận.
Kim cương thô đang được phân loại tại một trung tâm của Alrosa PJSC (Nga). (Ảnh: Bloomberg)
Các nhà khai thác đã áp dụng những biện pháp chưa từng có tiền lệ để bảo vệ thị trường như: không hạ giá, cho phép người mua thoải mái hủy hợp đồng và giảm sản lượng để kiềm chế hàng tồn kho. Tuy nhiên, lượng kim cương tồn đọng vẫn ngày càng gia tăng, với giá trị 3,5 tỷ USD và có thể chạm ngưỡng 4,5 tỷ USD vào cuối năm nay, gây cản trở cho đà phục hồi của các doanh nghiệp.
"Các hãng đang cố gắng hạn chế nguồn cung kim cương thô để bảo vệ thị trường và giá trị hàng hóa" - Bloomberg dẫn lời chuyên giaAnish Aggarwal thuộc Gemdax - "Nhưng câu hỏi là giải quyết đống hàng tồn kho như thế nào để vẫn bảo vệ được thị trường?".
Sau khi hủy bỏ đợt bán hàng hồi tháng 3, De Beers mở một đợt bán trong tháng 5 nhưng chưa công bố kết quả. Theo nguồn tin của Bloomberg, hãng chỉ bán được vỏn vẹn 35 triệu USD. Năm 2019, đợt bán hồi tháng 5 đạt doanh số 420 triệu USD.
Nhân viên xử lý kim cương thô tại Trung tâm phân loại Alrosa PJSC ở Moscow, Nga.
Đợt mở bán cuối tháng này sẽ là một thử thách lớn đối với De Beers. Hãng đang nỗ lực thu hút khách hàng bằng việc cho phép khách kiểm tra kim cương bên ngoài Botswana. Người mua có quyền từ chối nhận hàng dù đã ký hợp đồng nếu đổi ý..
Nhiều đối tác của và khách hàng của De Beers cho biết họ hoan nghênh động thái này. Trước đó, một số khách mua từng vô cùng bất mãn với phương thức bán hàng cứng nhắc của tập đoàn có trụ sở tại London (Anh).
Đến nay, De Beers và Alrosa vẫn cương quyết không giảm giá bán kim cương thô, thậm chí còn từ chối các khách hàng đề nghị mua với mức giá ưu đãi đặc biệt. Trong khi đó, các hãng khai thác nhỏ hơn đã giảm giá bán. Một số giảm tới 25% vì phải tìm cách tồn tại ngay trước khi đại dịch diễn ra. Việc này khiến các công ty lớn khó thuyết phục người mua tìm đến mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!