"Làn sóng" ngân hàng Mỹ phá sản, kim loại quý lên ngôi
Năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác động kéo dài từ các cuộc xung đột địa chính trị và chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Những yếu tố này cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến dòng chảy thương mại và thị trường hàng hóa.
Sự kiện đầu tiên đó chính là việc "Làn sóng" ngân hàng Mỹ phá sản, kim loại quý "lên ngôi", diễn ra giai đoạn từ tháng 3 - 5/2023.
Tháng 3/2023, thị trường tài chính thế giới nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng chao đảo vì hàng loạt ngân hàng thương mại tại Mỹ như: SVB, Signature Bank, Republic Bank… gặp vấn đề thanh khoản và bị mua lại. Điều này đã mang lại xu hướng tích cực cho giá kim loại quý vốn giữ vai trò trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động kinh tế và rủi ro suy thoái.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 13/3, giá bạc tăng đột biến gần 7% - mức tăng trong ngày cao nhất trong năm qua. Giá bạc và bạch kim thậm chí đạt đỉnh vào hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5.
Trong phiên giao dịch ngày 13/3, giá bạc tăng đột biến gần 7%. Ảnh minh họa.
OPEC+ cắt giảm mạnh tay, giá dầu tiến sát 100 USD/thùng
Năm 2023 được coi là năm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác, đã can thiệp nhiều nhất vào thị trường dầu thế giới trong vài năm trở lại đây. Xuất phát từ bối cảnh tăng trưởng toàn cầu yếu, kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu hạn chế, tổ chức này đã liên tục siết van bơm, nhằm đẩy giá dầu.
Tác động mạnh mẽ nhất là vào hồi tháng 6/2023, khi thành viên đứng đầu nhóm OPEC+ là Saudi Arabia bất ngờ công bố đơn phương cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày, bên cạnh cam kết chung của khối.
Tuyên bố này đã đẩy thị trường dầu rơi vào tình trạng thâm hụt hơn 1 triệu thùng/ngày và kéo theo xu hướng giá tăng rõ rệt trong suốt quý III. Giá vàng đen tăng gần 40% giá trị. Dầu Brent thậm chí tiến sát mốc 100 USD/thùng ngày ngay trong thời kỳ tiêu thụ cao điểm mùa hè.
Tuy nhiên, dù OPEC+ có cắt giảm sản lượng liên tục, xong giá dầu đã không thể giữ được mức 100 USD do sản lượng từ nhóm ngoài OPEC+, đứng đầu là Mỹ tăng cao kỷ lục bù đắp thiếu hụt. Hiện dầu Brent đã giảm sâu dưới ngưỡng 80 USD/thùng tính đến phiên giao dịch hôm qua (18/12).
Năm 2023 được coi là năm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác, đã can thiệp nhiều nhất vào thị trường dầu thế giới. Ảnh minh họa.
Biến động giá trên thị trường nông sản
Ngày 17/7, Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc biển Đen - thỏa thuận quan trọng vốn cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc an toàn qua các cảng ở biển Đen sau xung đột với Nga. Sự đổ vỡ của thoả thuận chiến lược này ngay lập tức làm gián đoạn hoạt động vận tải tại khu vực biển Đen và đe dọa nguồn cung lương thực thế giới. Giá các mặt hàng nông sản rung lắc rất mạnh.
Xuất hiện vào mùa hè 2023 và đạt đỉnh vào tháng 11, hiện tượng El Nino có cường độ mạnh nhất đã gây hạn hán nặng nề ở các vùng sản xuất nông nghiệp lớn tại châu Á. Điều này buộc nhiều quốc gia thực thi lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu như gạo.
Mặc dù không còn là yếu tố tác động dài hạn lên giá ngô, lúa mì như khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 nhưng việc Thoả thuận Ngũ cốc biển Đen bất ngờ đổ vỡ khiến giá các mặt hàng nguyên liệu nông sản tăng chóng mặt. Chỉ trong vòng một tháng kể từ khi xuất khẩu bị gián đoạn, giá lúa mì đã tăng hơn 20%.
Mặc dù Ukraine đã đơn phương thiết một hành lang nhân đạo tạm thời qua biển Đen, song việc xuất khẩu nông sản gồm ngô, ngũ cốc, lúa mỳ vẫn bị ảnh hưởng lớn. Sản lượng ngũ cốc xuất khẩu thực tế của nước này giảm hơn 23%, ngô giảm gần 35% trong giai đoạn từ tháng 7 đến giữa tháng 12/2023.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sàn Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) nhận định: "MXV đánh giá tình hình ở khu vực biển Đen không còn ảnh hưởng quá mạnh đến giá các mặt hàng nông sản như ngô và lúa mì trong năm nay. Song sang năm 2024, diễn biến giá dự báo sẽ khó lường. Sự không chắc chắn về cán cân cung - cầu ngũ cốc thế giới chính là nguyên nhân chủ đạo tác động đến xu hướng giá. Bởi vì hiện tượng El Nino dự báo sẽ còn phức tạp".
El Nino cũng đã khiến các quốc gia sản xuất, cung cấp nông sản lớn như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng nặng nề.
Mùa vụ bị thiệt hại đã đẩy giá đường và gạo thô tăng lên mức cao nhất 12 năm; giá cà phê Robusta cán mức đỉnh 28 năm. Thậm chí, giá cà phê nội địa tại Việt Nam còn đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sàn Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết: "Nhiều khả năng giá gạo toàn cầu giai đoạn tới sẽ tiếp tục được giữ vững ở vùng giá cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng gạo năm 2008 do Ấn Độ vẫn sẽ tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo đến hết năm 2024. Trong khi đó, giá đường sẽ khó tăng nóng như 2023. Lý do vì Chính phủ Ấn Độ đã quyết định ưu tiên mía ép cho sản xuất đường trong niên vụ 2023 - 2024 để ứng phó với việc sản lượng đường giảm mạnh vì thời tiết. Điều này dự kiến sẽ giúp lượng đường trong năm tới tăng lên. Đây cũng sẽ là tâm điểm chú ý mới của thị trường sau những tác động từ El Nino".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!