Kim ngạch xuất khẩu dừa tươi dự kiến tăng thêm 200 - 300 triệu USD

Tấn Hưng - Bạch Tuyết-Chủ nhật, ngày 25/08/2024 17:44 GMT+7

VTV.vn - Tiềm năng thế mạnh cây dừa càng được phát huy khi thị trường xuất khẩu chính ngạch đang tiếp tục mở rộng.

Dừa tươi sắp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Đầu tuần này, 3 mặt hàng gồm dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu đã nhận tin vui khi Nghị định thư mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã được kí kết. Với tiềm năng từ thị trường 1,4 tỷ dân, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam có thể tăng thêm 200 - 300 triệu USD trong năm nay và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo. Những ngày qua, nhà vườn ĐBSCL đang rất phấn khởi với thông tin này.

"Nếu dừa được xuất khẩu thì hơn 60.000 đồng/10 quả cũng có. Nếu không có xuất khẩu, như mấy tháng trước có hơn 20.000 đồng/chục", ông Trần Công Huấn - Hợp tác xã Tập Ngãi, tỉnh Trà Vinh cho biết.

Hiện nay Trung Quốc tiêu thụ dừa rất lớn, trong khi khả năng cung ứng trong nước chỉ 10%. Chính vì thế khi Trung Quốc mở cửa cho trái dừa Việt Nam thì đây sẽ là cơ hội cho các địa phương, nhất là ĐBSCL như Trà Vinh hay Bến Tre.

Kim ngạch xuất khẩu dừa tươi dự kiến tăng thêm 200 - 300 triệu USD - Ảnh 1.

Hiện Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. (Ảnh: TTXVN)

Vườn dừa gần 140 gốc của ông Trần Văn Cống (xã Phong Nẫm, Giồng Trôm, Bến Tre) cứ đều đặn 25 ngày cho thu hoạch một đợt. Nhờ chăm sóc theo qui trình nghiêm ngặt nên năng suất, chất lượng luôn đảm bảo.

Sự thay đổi đến từ nhu cầu thị trường về những sản phẩm chất lượng, an toàn phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ trong gần 80.000 ha của toàn tỉnh Bến Tre hay gần 27.000 ha của Trà Vinh. Chính vì thế, thông tin Trung Quốc mở cửa cho trái dừa tươi của Việt Nam được nhiều nhà vườn và các địa phương đón nhận đầy phấn khởi.

Ông Lê Văn Đông - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: "Có hơn 5.500 ha diện tích trồng dừa đạt chứng nhận dừa hữu cơ theo tiêu chuẩn EU, USDA. Các tổ chức CU đang tiếp tục đánh giá cấp chứng nhận hơn 2.700ha cho các huyện, nâng tỷ lệ dừa hữu cơ chiếm 20% tổng diện tích trồng dừa toàn tỉnh".

Hiện Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000 ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Chỉ riêng 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng diện tích đã vượt 130.000 ha.

Thời gian qua, các địa phương ĐBSCL đã tập huấn, hướng dẫn bà con canh tác dừa theo tiêu chuẩn Global Gap hay hữu cơ. Đây là điều kiện để dừa có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu…. Sắp tới, với thị trường Trung Quốc, cũng có nhiều quy định, tiêu chuẩn rất khắt khe cần tuân thủ. Chỉ khi chuẩn bị thật tốt thì ngành dừa Việt Nam mới đi được đường dài.

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Phải tuân thủ kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Về kiểm dịch thực vật thì phải chú ý không có 9 dịch hại mà Trung Quốc quan tâm gồm 5 loài rệp, 1 loài mối, 1 loài bọ cánh cứng hại dừa và 2 loại cỏ. Còn với an toàn thực phẩm thì hướng dẫn bà con quản lí dịch hại, dùng thuốc không để lại dư lương".

"Các địa phương cần quan tâm hơn nữa việc quản lí các mã số vùng trồng và các cơ sở đóng gói, đặc biệt là duy trì, đảm bảo tuân thủ đúng các điều kiện của Nghị định thư. Đó là việc mà các địa phương phải duy trì thường xuyên, liên tục, không chỉ trong năm 2024", ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo.

Ngành hàng dừa tìm hướng phát triển bền vững

Theo các doanh nghiệp, việc kí Nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới. Đồng thời, tạo động lực phát triển cho nhiều địa phương chủ lực về dừa. Tuy nhiên, câu chuyện liên kết vẫn là giải pháp phát triển bền vững cho ngành hàng này.

Gia đình ông Huỳnh Long Thiện tai xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng, hiện có 4 ha với gần 1.000 gốc dừa đã sẵn sàng cho việc liên kết cùng doanh nghiệp, phục vụ xuất khẩu.

"Tỉnh cấp mã số vùng trồng cho nông dân thì mọi người rất yên tâm chăm sóc dừa tốt hơn", ông Huỳnh Long Thiện chia sẻ.

Tư duy sản xuất đã thay đổi, bà con còn chủ động liên kết, cùng nhau phát triển. HTX Nông nghiệp Vạn Thịnh Phát với hơn 30 thành viên đã được thành lập, giúp tạo nên diện tích chuyên canh lớn, đồng nhất về qui trình canh tác. Đây cũng là cơ sở để liên kết, tiêu thụ với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Anh Nhan Chí Hiệp - Giám đốc Hợp tác xã Vạn Thịnh Phát, Sóc Trăng cho biết: "Sắp tới sẽ hợp tác với nhiều vùng trồng trong huyện để hỗ trợ bà con trong tiêu thụ sản phẩm".

Kim ngạch xuất khẩu dừa tươi dự kiến tăng thêm 200 - 300 triệu USD - Ảnh 2.

Tiềm năng thế mạnh cây dừa càng được phát huy khi thị trường xuất khẩu chính ngạch của loài cây công nghiệp này đang tiếp tục mở rộng. Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.

Còn với doanh nghiệp, hiểu thị trường chính là cách để giữ thị trường. Theo Công ty Dừa Hào Quang, Trung Quốc có nhiều phân khúc khách hàng để có thể khai thác tối đa lợi thế.

Chị Phan Thị Son - Phó Giám đốc Công ty Dừa Hào Quang cho biết: "Người ta cũng sử dụng dừa lai, nhiều trái to và nhiều nước, có những nơi ở Bắc Kinh thì dùng dừa xiêm xanh, ngọt nước, tiêu chuẩn là gọt dừa kim cương".

"Khi tạo chuỗi giá trị, gắn kết sản xuất thì mới đáp ứng được yêu cầu của quốc tế đặt ra ngày càng nhiều. Thế giới hiện nay vừa mở cửa, vừa cạnh tranh. Liên kết giữa người dân với người dân; người dân với doanh nghiệp; sự hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp cần củng cố hơn nữa", ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết.

Thế mạnh xuất khẩu mặt hàng dừa càng được củng cố khi thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng sản phẩm chế biến từ dừa.

Hiệp hội Dừa Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm nay sẽ đạt 1 tỷ USD. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực đầu tư phát triển sản xuất, ngành hàng dừa sẽ không khó để đạt con số này. Tiềm năng thế mạnh cây dừa càng được phát huy khi thị trường xuất khẩu chính ngạch của loài cây công nghiệp này đang tiếp tục mở rộng.

Dừa tươi, sầu riêng đông lạnh... giúp thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 200 tỷ USD? Dừa tươi, sầu riêng đông lạnh... giúp thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 200 tỷ USD?

VTV.vn - Theo Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước