“Kinh đô" kim cương Ấn Độ bớt lấp lánh

Kim Huệ-Thứ ba, ngày 28/06/2022 14:13 GMT+7

VTV.vn - Thành phố Surat đang dần mất đi "sự lấp lánh" của chính mình bởi các lệnh cấm vận áp đặt lên Nga, nguồn cung cấp kim cương thô lớn cho Ấn Độ.

Thành phố Surat tại Ấn Độ được mệnh danh là "kinh đô kim cương" của thế giới, với khoảng 90% kim cương toàn cầu được các nghệ nhân chế tác chủ yếu tại đây.

Những công nhân ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, sở hữu một kỹ năng mà hàng triệu người trên thế giới sẵn sàng trả một số tiền lớn. Họ là 1 trong số 2 triệu lao động tại Ấn Độ chuyên chế tác kim cương để xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt áp lên Nga, nhà cung cấp đá quý "thô" lớn nhất của Ấn Độ, đang đe dọa công việc của họ.

Mức lương 20.000 Rupee (tương đương gần 6 triệu đồng) hàng tháng của anh Yogesh đã giảm từ 20 - 30%. Tuy nhiên anh vẫn còn may mắn với công việc hiện tại, trong khi 30.000 - 50.000 công nhân ở Surat đã mất việc làm.

“Kinh đô kim cương Ấn Độ bớt lấp lánh - Ảnh 1.

Các lệnh trừng phạt áp lên Nga, nhà cung cấp đá quý "thô" lớn nhất của Ấn Độ, đang đe dọa công việc của những công nhân chế tác kim cương tại Ấn Độ. (Ảnh: Bloomberg)

"Tôi mong chiến sự sẽ kết thúc, bởi sinh kế của mọi người phụ thuộc hết vào điều này", anh Yogesh Zanzamera, thợ đánh bóng kim cương, bày tỏ.

Tại xưởng chế tác Chirag Gems, cứ 900 viên kim cương thô thì có gần một nửa được nhập khẩu từ Nga. Sau các công đoạn cắt, mài…, những viên kim cương thô sẽ trở thành những viên đá quý, được rao bán với giá từ 150 - 150.000 USD.

Theo Giám đốc điều hành của công ty, nguồn cung kim cương thô của xưởng đã giảm xuống còn 1/10 so với những tháng trước kể từ khi các lệnh trừng phạt của phương Tây ngăn chặn Nga khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT vào tháng 3.

"Giờ chúng tôi phải phụ thuộc nhiều hơn vào các mỏ ở Nam Phi, tuy nhiên lượng kim cương thô nhập được ít hơn trước rất nhiều. Đó là lý do vì sao giá cả trên thị trường luôn biến động", anh Chirag Patel, Giám đốc điều hành Công ty chế tác kim cương Chirag Gems, cho biết.

Mùa cưới từ tháng 6 đến tháng 9 ở Mỹ là thời điểm quan trọng đối với các nhà xuất khẩu kim cương. Mỹ chiếm hơn 40% trong tổng số 24 tỷ USD xuất khẩu kim cương chế tác của Ấn Độ trong năm tài chính 2021, theo dữ liệu từ Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Đá quý và Trang sức.

Không chỉ nguồn cung giảm sút, các nhà giao dịch cho biết nhu cầu từ Mỹ và châu Âu cũng giảm trong những tháng gần đây khi các công ty như: Signet, Tiffany & Co, Chopard và Pandora từ chối mua kim cương có nguồn gốc từ Nga.

"Khoảng 40% kim cương thô được nhập khẩu từ Nga. Do vậy, bất cứ lệnh trừng phạt nào áp đặt lên Nga sẽ đều ảnh hưởng đến thị trường kim cương", ông Sripal Dholakia, Thành viên Hội đồng đá quý và trang sức Ấn Độ, cho hay.

Giới chức Ấn Độ đang xem xét tung ra gói cứu trợ trị giá 10 tỷ Rupee, tương đương 128 triệu USD, cho những công nhân bị mất việc làm.

Đối với một số người, một viên kim cương là một biểu tượng địa vị, một dấu hiệu của sự giàu có hoặc tình cảm. Tuy nhiên đối với những người lao động, như anh Yogesh, nó đại diện cho một phương thức sinh tồn. Họ dành nhiều năm cuộc đời mạo hiểm sức khỏe của mình để chế tác những viên ngọc quý này và biết rất rõ rằng họ gần như chắc chắn sẽ không bao giờ sở hữu được một viên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước